Vở diễn “Câu chuyện những chiếc rìu” và hai trò rối “Lung linh khổng tước”, “Mười hai con giáp” là những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn đón Xuân Nhâm Dần 2022 của Nhà hát Múa rối Việt Nam.
“Câu chuyện những chiếc rìu” - vở rối hấp dẫn
Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ, lâu nay chương trình múa rối cho thiếu nhi thường là các trò diễn kết hợp. Tuy nhiên, qua thực tế nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của các trường học, đặc biệt từ mong muốn của các em nhỏ, Nhà hát đã bổ sung các vở diễn với thời lượng dài vừa phải, có cốt truyện và có tuyến nhân vật để khán giả theo dõi liền mạch, xuyên suốt cả chương trình. Trong khi chưa tìm được một kịch bản hay, phù hợp với sân khấu múa rối, Nhà hát đã quyết định dựng lại vở “Câu chuyện những chiếc rìu”, bởi vở diễn này đáp ứng được cả yếu tố ngôn ngữ văn học cho tới ngôn ngữ nghệ thuật.
Vở múa rối "Câu chuyện những chiếc rìu" với nhân vật chính là chú bé nhà nghèo một ngày qua sông bị sóng lớn lật thuyền. Chú bé bị rơi chiếc rìu hàng ngày đốn củi xuống sông. Chú đã gặp ông Rồng nước và trải qua thử thách của ông về tính thật thà khi đưa ra cho chú những chiếc rìu bạc- vàng. Nhưng với bản tính lương thiện, chú bé đã tạo được niềm tin khi không tham lam đồ của người khác và nhận được phần thưởng là chiếc rìu bằng vàng. Nghe tin đó, một lão phú ông cũng giả vờ ném một chiếc rìu sắt xuống sông, mong sẽ lấy được những chiếc rìu bạc - vàng to hơn của chú bé. Nhưng lão phú ông đã phải trả giá đắt cho sự tham lam của mình.
Vở diễn "Câu chuyện những chiếc rìu" là một bài học đầy tính nhân văn, giáo dục nhẹ nhàng mang tới cho các em nhỏ bài học về cách sống lương thiện, ngay thẳng thật thà thì sẽ luôn được mọi người tin yêu, còn những ai tham lam, độc ác sẽ tự mình chuốc họa vào thân, tiếng xấu để đời, nhận lấy kết cục không tốt đẹp.
Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng cho biết, vở diễn “Câu chuyện những chiếc rìu” của tác giả Tuấn Khanh đã từng được dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Múa rối Việt Nam năm 1985 với hình thức rối cạn. Lần này, ê kíp sáng tạo đã kết hợp cả múa rối cạn và múa rối nước với nhiều không gian biểu diễn trên 2 tầng rối cạn, 1 tầng rối nước và 1 sân khấu phía trước. Điểm thú vị của “Câu chuyện những chiếc rìu” là sự đan xen giữa nhân vật rối và người thật để dẫn dắt khán giả vào câu chuyện. Sự hòa quyện ngôn ngữ giàu sức diễn cảm và sự linh hoạt của nhân vật đã tạo nên một vở rối sống động, hấp dẫn khán giả từ đầu đến cuối.
Người thể hiện nhân vật phú ông tham lam là Ngô Doãn Thịnh - một nghệ sỹ trẻ mới về Nhà hát nhưng đã có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng qua nhiều vai diễn. Cùng phối hợp với Ngô Doãn Thịnh còn có 3 nghệ sỹ khác phụ giúp, một người phụ diễn phần chân, một phụ diễn phần tay và 1 người phụ diễn phần tạo hình cử động trên gương mặt phú ông. Cả 4 nghệ sỹ đã phối hợp nhuần nhuyễn, tạo nên một nhân vật ấn tượng và toả sáng trên sân khấu rối.
Những trò diễn vui nhộn mừng Xuân
Nếu “Câu chuyện những chiếc rìu” được thể hiện sống động, chân thực, thì trò diễn “Lung linh khổng tước” lại đưa khán giả đến với một không gian kỳ ảo. Trên nền phông đen với sân khấu nước phía trước, sân khấu cạn phía trên, mang đến cho người xem cảm giác lung linh, huyền ảo, qua đôi bàn tay điều khiển điêu luyện của các nghệ sỹ, hình ảnh bầy công lộng lẫy đầy màu sắc chơi đùa, xoè đuôi nhảy múa trong tiếng nhạc tươi vui, rộn rã… là một minh chứng cho thấy sức sáng tạo vừa tài tình, vừa độc đáo của các nghệ sỹ. Theo Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, chim công, hay còn gọi là khổng tước là một trong những loài chim đẹp nhất, là biểu tượng cho vẻ đẹp quyền quý và sang trọng trong nền văn hóa Á Đông, chính vì vậy, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã chọn tiết mục này để phục vụ khán giả dịp Xuân mới, như một lời chúc an khang, thịnh vượng đến mọi nhà.
Cũng gắn liền với câu chuyện đầu Xuân năm mới, trò diễn "Mười hai con giáp" với hình thức rối đội lốt và múa rối nước cũng thu hút công chúng bởi sự độc đáo nhưng cũng rất gần gũi với khán giả. Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, 12 con giáp luôn đồng hành và gắn liền với cuộc sống thường ngày, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến Xuân về. Thông qua những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc, gần gũi, thân thiết và đầy triết lý đối với tâm thức cũng như đời sống văn hoá của người Việt, cùng với cách thể hiện sinh động, độc đáo, phù hợp và hấp dẫn của nghệ thuật múa rối, tiết mục “Mười hai con giáp” đã gợi cho khán giả - đặc biệt là các em nhỏ luôn nhớ về cội nguồn, nét đẹp trong văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, khi xem “Mười hai con giáp”, khán giả sẽ gặp lại những vật dụng thân thuộc gắn với đời sống người nông dân như giỏ cua, rổ rá, thủng mủng, phủ xôi… được tạo hình bằng tre, nứa, mang đến cho người xem cảm giác thân thuộc, gần gũi với làng quê Việt Nam.
Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ, khởi động lại một mùa diễn mới sau một thời gian dài ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã có nhiều tín hiệu vui khi có một lực lượng nghệ sỹ trẻ triển vọng, có đủ bản lĩnh để đảm đương điều khiển các con rối có thiết kế phức tạp trong những chương trình mới lần này.
“Nhà hát cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đầu tư cải tạo phòng trưng bày thành một sân khấu biểu diễn múa rối mini với khoảng 100 chỗ ngồi rất xinh xắn, lịch sự. Sân khấu này được khai thác sẽ phục vụ những đoàn khách nhỏ, rất phù hợp với tình hình hiện nay”, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng hào hứng chia sẻ.
Với các vở diễn, trò diễn được dàn dựng hấp dẫn, thiết kế sân khấu hiện đại pha lẫn truyền thống, âm nhạc được phối khí, dàn dựng, phóng tác, mang âm hưởng dân gian đương đại kết hợp với kỹ xảo ánh sáng và sự khéo léo của bàn tay nghệ sỹ, khán giả sẽ được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật hấp dẫn với những bất ngờ thú vị. Đây chắc chắn sẽ là món quà nghệ thuật đặc sắc được Nhà hát Múa rối Việt Nam dành tặng khán giả trong dịp Xuân mới 2022 này.