Nhạc sĩ Hoàng Vân: Từ “Hò kéo pháo” đến “Đường lên đỉnh Olympia”

Nhạc sĩ Hoàng Vân (ảnh) sinh ra trong một gia đình Nho học, cha và ông nội của ông đều là nhà Nho, bởi vậy ông được học chữ thánh hiền từ thuở còn thơ bé. Nhạc sĩ Hoàng Vân cũng thừa nhận rằng, tính cách nhà Nho cũng ảnh hưởng nhiều đến cốt cách của ông sau này, dù âm nhạc ông luôn hào sảng, khỏe khoắn, nhiều bài mang đậm dấu ấn anh hùng ca, nhưng con người ông, tính cách của ông, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn điềm đạm, nhỏ nhẹ, ôn hòa. Dường như, không điều gì làm cho ông có thể nổi nóng, to tiếng hay bất đồng, cãi vã...

Dù được mệnh danh là trai Hà Nội gốc, nhưng tuổi trẻ của nhạc sĩ Hoàng Vân lại gắn bó nhiều với chiến trường, với súng đạn hơn là mảnh đất ngàn năm văn hiến. Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó ông tham gia Đội Tuyên truyền vũ trang, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn, và phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như “Chiến thắng Hòa Bình”, “Tin chiến thắng”, “Chiến thắng Tây Bắc”. Tuy nhiên, cho đến năm 1954, khi ông sáng tác ca khúc “Hò kéo pháo” thì tên tuổi của Hoàng Vân mới thực sự neo lại trong lòng người. Hồi ấy, cả một thế hệ những người lính ra chiến trận đều ngân vang khúc hát “Hò dô ta nào” của ông. Nó đã là một “liều thuốc” tinh thần cổ vũ lòng người vượt qua những gian khó để chống giặc ngoại xâm. Kể về những kỷ niệm hồi sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Hoàng Vân khẳng định rằng, bước ngoặt cuộc đời của ông gắn liền với hai chữ Điện Biên. Hồi ấy, chàng trai Hà Nội Lê Văn Ngọ (tên thật của nhạc sĩ Hoàng Vân) hăm hở tham gia chiến dịch Điện Biên, viết bài cho bản tin của trung đoàn, sư đoàn, dẫn các văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác... Cuộc sống chiến đấu gian khổ mà hào hùng của những ngày “mưa dầm cơm vắt”, đặc biệt là sự dũng cảm của các chiến sĩ pháo binh đã khiến Hoàng Vân - dù mới biết qua nhạc lý cơ bản - đã không ngăn được cảm xúc trào dâng, ông đã viết một mạch bài “Hò kéo pháo”. Viết xong, Hoàng Vân lấy que ghim lên vách hầm như một bài báo tường, không ngờ người này đọc được bảo người kia, “Hò kéo pháo” vì thế đã lan nhanh khắp mặt trận. Sau chiến dịch Điện Biên, “Hò kéo pháo” được trao giải Nhất tại Đại hội Liên hoan toàn quân. Bất ngờ lớn nhất là với ca khúc này ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công và được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã khen ngợi ca khúc “Hò kéo pháo” và giới thiệu Hoàng Vân với Tổng cục Chính trị. Ngay sau đó Tổng cục đã cử Hoàng Vân đi học tại Nhạc viện Trung ương Trung Quốc. Trở về nước sau 6 năm “dùi mài kinh sử”, anh lính Điện Biên ngày nào trở thành Nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam và giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam. Để nhớ ơn vùng đất đã sinh ra mình một lần thứ hai, sau này ông đã sáng tác “Đại hợp xướng Điện Biên Phủ”, một tác phẩm khí nhạc đồ sộ dài 4 chương viết cho hợp xướng và dàn nhạc, mà mất tới hơn 10 năm ông mới hoàn thành trọn vẹn. Nhạc sĩ Hoàng Vân tâm sự: “Đây là tác phẩm tôi dành rất nhiều thời gian và tâm huyết. Nhưng phải nói là rất khó sáng tác, bởi vì bây giờ là thời bình rồi, phải làm sao toát lên được âm hưởng hào hùng, vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, lại phải phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng là điều không hề đơn giản. Tôi đã viết với một khát vọng lớn. Về mặt ngôn ngữ âm nhạc cũng như hình tượng nghệ thuật, phải vừa mới mẻ lại kế thừa truyền thống và xứng đáng với tầm vóc của chiến dịch”.

Có lẽ, nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong số các nhạc sĩ hiếm hoi thành công trên nhiều phương diện sáng tác, từ khí nhạc đến ca khúc cho người lớn, ca khúc thiếu nhi, ca khúc cho các ngành, ca khúc cho phim… Ông là tác giả của những ca khúc trong phim đã ghi dấu ấn trong nền điện ảnh như: “Nổi gió”, “Con chim vành khuyên”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu”. Tuy viết theo đơn đặt hàng, những ca khúc tưởng chỉ viết cho một ngành nghề cụ thể, nhưng đều được ông thổi vào hơi thở của đời sống, của cảm xúc. Chính vì thế, khi ca khúc công bố rộng rãi trong công chúng đều đã trở thành những giai điệu độc lập và quen thuộc như: “Gửi em, người giáo viên nhân dân”, “Tôi là người thợ lò”, “Bài ca xây dựng”... Hoặc những ca khúc cho các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam như: “Bảy sắc cầu vồng”, “Đường lên đỉnh Olympia”, “Người xây tổ ấm”, “Ở nhà chủ nhật”. Ông kể lại: Có lần nhà báo Tạ Bích Loan đến tận nhà mời ông vào xem chương trình “Ở nhà chủ nhật” phát sóng số đầu tiên. Khi đến, ông ngồi xem rất chăm chú và ngay trên khán đài, giữa cái ồn ào của khán giả đang cổ vũ chương trình, ông lẩm nhẩm giai điệu, kết thúc chương trình thì bài hát đã hoàn thành mà không phải sửa một chữ nào: “Tổ ấm gia đình, không gì sánh được, còn trong ký ức, bao nhiêu buồn vui...”. Sau này, khi chương trình phát sóng, có lần đi dạo bộ gần nhà, ông nghe được các bà mẹ dỗ cho con ăn bằng chính bài hát của mình. Lại có lần khác, trong một chuyến đi vào miền Trung, có người nhận ra ông đã tự xưng là đồng hương vì nghĩ rằng ông quê ở Quảng Bình nên mới sáng tác được bài hát đậm chất miền Trung “Quảng Bình quê ta ơi!”. Cũng như khi ông viết về thiếu nhi, những bài hát đã trở thành “kim chỉ nam” mà ngành giáo dục lấy in vào bìa bốn của quyển vở học trò, kỳ thực là ông viết để động viên con trai mình, Lê Phi Phi chăm chỉ đến trường. Hồi đó, để động viên con đi nhà trẻ, ông đã nhẩm hát cho con nghe giai điệu bài hát “Em yêu trường em” trên đường đưa con đi lớp. Khi con lên mẫu giáo, ông lại dạy con biết chào hỏi bằng bài hát: “Con chim vành khuyên”. Giờ đây, con trai ông đã trở thành Nhạc trưởng của dàn nhạc danh giá nước Cộng hòa Maxêđônia, con gái ông cũng là Tiến sĩ Âm nhạc đang định cư tại Pháp, và ông có thể tự hào để nói rằng, dạy con bằng âm nhạc là một cách dạy “có lý” đối với gia đình ông.

Bây giờ, ở tuổi ngoài 80 nhưng nhạc sĩ Hoàng Vân có một niềm say mê nữa là vẽ tranh và viết thư pháp bằng chữ Hán cổ, điều mà ông đã học được từ thời tóc còn để chỏm ngồi mài mực cho cha mình. Ông cũng kỳ cọ mài mực tàu bút lông đắm mình theo xúc cảm của sắc màu và đường nét. Đôi mắt ông đăm chiêu đằng sau cặp kính tròn đã gắn bó với ông suốt cả cuộc đời và làm nên thương hiệu nhạc sĩ Hoàng Vân. Ông bảo rằng, càng về già, chơi chữ với ông lại càng trở thành một thú vui không thể thiếu, nó như một nguồn dinh dưỡng tinh thần, giúp ông suy nghĩ uyển chuyển và tinh tế hơn. Nghệ thuật thư pháp còn giúp ông rèn được chữ “nhẫn”, giữ được sự tĩnh tại, thăng bằng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trong câu chuyện với ông, tôi đã hỏi một điều mà trong suốt cả cuộc chuyện trò cùng ông tôi không cảm nhận giống như cách mà nhiều người đã nói: Ông khó tính? Ông không khó tính, hay nói đúng hơn, ông chỉ khó tính và kỹ tính với nghề. Trong đời sống thường nhật, ông là người trọng lời hứa, đúng giờ và sống có nguyên tắc. Ở tuổi 80, ông vẫn chăm chỉ tập luyện thể thao mỗi ngày như đi bộ, đi bơi, tập tennis như cách mà 30 năm nay ông đã sống.


Trước khi ra về, ông đưa cho tôi xem bản giao hưởng “Trữ tình” 4 chương mà ông vừa hoàn thành trong năm nay, ông bảo, dù “tuổi cao sức yếu” nhưng chưa bao giờ ông ngừng quan sát, tích lũy và sáng tạo. Ngày xưa, để sáng tác bài hát “Tôi là người thợ lò” ông đã đi thực tế, trực tiếp làm việc cùng anh chị em công nhân thì mới hiểu được để viết một bài về vùng mỏ được các anh chị em thợ mỏ công nhận. Ông bảo: “Sáng tác là công việc cả một đời người. Vừa sáng tác vừa học. Là nhạc sĩ sáng tác cũng tựa như con tằm, phải ăn nhiều, rồi phải nhả tơ, nên tôi luôn trang bị cho mình những hành trang mới. Bây giờ viết hip hop cũng có thể viết được, nhưng những cái đó không thuộc về thế hệ chúng tôi. Chúng tôi hợp với chất trữ tình, anh hùng ca, với tình yêu quê hương đất nước”.

Trần Hoàng Thiên Kim
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN