Kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội (1911-2011)

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo:“Nhà hát Lớn là một biểu tượng văn hóa của Hà Nội”

“Tôi vẫn nuối tiếc một tấm gương cũ ở Nhà Gương trong Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong quá trình trùng tu nhà hát, người ta đã thay thế nó bằng một tấm gương mới. Điều đáng tiếc nhất là trên tấm gương cũ có một vết đạn từ thời Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo tâm sự về một kỉ niệm của mình với Nhà hát Lớn Hà Nội.

Hiểu Nhà hát Lớn như nhà mình

Là người Hà Nội gốc, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo có nhiều điều kiện tiếp xúc với Nhà hát Lớn Hà Nội từ nhỏ. Tuy nhiên, phải đến những năm 60 của thế kỉ trước, ông mới được vào bên trong Nhà hát Lớn trong một lần đi xem vở opera “Người tạc tượng” cùng anh rể. Thời đó, không phải ai cũng có điều kiện được vào bên trong Nhà hát Lớn, kể cả người Hà Nội. Thứ nhất là bởi dòng nhạc biểu diễn tại đây rất kén người nghe. Thứ hai, vé vào cửa khá cao so với thu nhập của đa số người dân. Do vậy có thể nói đây là một vinh hạnh đối với ông Bảo vào thời điểm đó.

Nhà hát Lớn Hà Nội nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Hữu Bảo.


Cảm giác đầu tiên của ông Bảo là choáng ngợp. “Mặc dù đã xác định trước rằng đây là một nhà hát rất sang trọng nhưng khi bước vào bên trong, tôi vẫn không khỏi choáng ngợp. Đây là cảm giác bình thường khi con người ta đứng trước những thứ nguy nga, tráng lệ”, ông Bảo nói.

Nhà hát Lớn mang phong cách kiến trúc cổ điển phương Tây, từ kiến trúc mái vòm đến từng họa tiết trang trí nhỏ trên trần nhà, tường nhà… Người thiết kế nhà hát đã thật khôn khéo khi kết hợp giữa nghệ thuật kiến trúc với âm nhạc, khiến cho chất lượng âm nhạc biểu diễn tại đây được đẩy lên mức cao nhất. Âm thanh trong nhà hát, từ trước đây khi chưa có điện, vẫn đạt được sự cộng hưởng cần thiết, giúp khán giả dễ dàng thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao. Âm thanh vang, to mà không bị vỡ.

Sau này ông Bảo có nhiều điều kiện thưởng thức âm nhạc trong Nhà hát Lớn hơn. Một tháng có khi cả chục giấy mời. Với sở thích nghe nhạc cổ điển, ông luôn dành thời gian để đi nghe nhạc tại đây, thay vì đi nghe nhạc ở những địa điểm xô bồ khác. Ông nói: “Nhà hát Lớn có đối tượng khán giả của riêng nó, không phải ai cũng có thể đến đây nghe nhạc, mà nghe chắc gì đã hiểu. Bản thân cái tên Nhà hát Lớn đã là một sự sàng lọc, sàng lọc dòng nhạc và sàng lọc đối tượng thính giả”.

Tấm gương mới đã thay thế đúng vị trí tấm gương có vết đạn xưa. Ảnh: Hữu Bảo.


Tiếp tục câu chuyện về viên đạn trên tấm gương cũ ở Nhà Gương, ông Bảo tỏ vẻ tiếc nuối bởi một chi tiết lịch sử rất đặc biệt của Nhà hát Lớn nay đã không còn. 60 ngày đêm “khói lửa ngút kinh thành” mùa đông năm 1946, Hà Nội chiến đấu với tất cả những gì mình có, quyết giữ từng tấc đất Thủ đô. Nhà hát Lớn không tránh khỏi tên bay đạn lạc. Một viên đạn đã vô tình bay vào Nhà Gương trên tầng hai, xuyên qua một tấm gương. Sau này người ta còn có cả bảng chú thích “Vết đạn này có từ thời điểm toàn quốc kháng chiến năm 1946”. Khi trùng tu di tích, người ta đã thay thế tấm gương này. Có lẽ vì màu gương đã ngả theo thời gian. Song đáng tiếc cho những vị khách hiện đại không còn thấy được một dấu tích gắn liền với thời kì chiến đấu anh dũng của Hà Nội.

Mải miết với những tấm hình Nhà hát Lớn

Thân thiết với Nhà hát Lớn từ lâu, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo đã ấp ủ chụp một bộ hình dành riêng cho Nhà hát Lớn. Nhân thời điểm nhà hát tròn 100 năm tuổi, lại nhận được lời gợi ý từ phía ông Hoàng Xuân Nam, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội, ông Bảo như được thôi thúc và tăng thêm động lực để thực hiện ý tưởng của mình.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo đang xem lại những tấm hình chụp Nhà hát Lớn của mình.


Ông Bảo cho biết: “Nhà hát Lớn Hà Nội đã quá nổi tiếng, có rất nhiều người chụp hình. Do đó để có được những tấm hình mới mẻ, những góc chụp độc đáo không phải là điều đơn giản. Thông thường các nhiếp ảnh gia thường khắc họa vẻ đẹp nhà hát từ bên ngoài, và công chúng chỉ biết có thế. Tôi lại muốn chụp thật nhiều về kiến trúc bên trong nhà hát, đặc tả những chi tiết mỹ thuật độc đáo”.

Ông Bảo chỉ mất có 2 ngày để hoàn thành bộ ảnh hàng trăm bức. Nghe thì có vẻ là quá nhanh, nhưng thực chất, nó là kết quả của một quá trình ấp ủ ý tưởng lâu dài và chỉ đợi đến lúc được hiện thực hóa. Ông Bảo sẽ chọn ra những tấm ảnh đẹp nhất để tạo thành bộ lịch năm mới 2012 sắp tới. “Chỉ hơi tiếc một điều là bộ lịch này không xuất bản kịp trong năm 2011 này. Nhưng giá trị của Nhà hát Lớn là trường tồn nên tôi không lo những tấm hình của mình bị lạc hậu”.

Xem kĩ bộ ảnh của ông, có thể nhận thấy sự xuất hiện của một nghệ sĩ violon. Ông Bảo nói rằng, đó là một sự tình cờ. Khi ông thực hiện bộ ảnh thì nữ nghệ sĩ ấy xuất hiện. Và ông bỗng nảy ra ý tưởng để cho người nghệ sĩ này xuất hiện cùng Nhà hát Lớn để hai vẻ đẹp cùng tôn nhau lên. Ông quan niệm: “Chụp chủ đề gì không quan trọng, quan trọng nhất ở chỗ mình là ai trong ảnh”. Vì thế, ông luôn tìm kiếm những sự khác lạ trong mỗi bức ảnh của mình, những thứ độc đáo không có ở những tấm hình khác.

Được đào tạo tại nước ngoài về chuyên ngành chế tạo máy, nhưng lại chót say mê với nghệ thuật nhiếp ảnh, Nguyễn Hữu Bảo đã quyết định gắn cuộc đời mình với chiếc máy ảnh. Người nghệ sĩ ấy vẫn ngày ngày say mê tìm tòi những góc hình đẹp, những đề tài hay trên từng con phố của Thủ đô. Ông coi Nhà hát Lớn như một biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Cùng với Khuê Văn Các, tháp Rùa, chùa Một Cột, cầu Long Biên, đó là những biểu tượng không thể thay thế!

Dương Nam Hoàng 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN