Từng rất thành công trong lĩnh vực âm nhạc với những ca khúc như: Tóc nâu môi trầm, Còn ta với nồng nàn, Em về tinh khôi, Giấc mơ tuyết trắng... , giờ đây nhạc sĩ tài hoa Quốc Bảo lại quyết định lấn sân sang... văn học. Và tập bút ký chân dung mới ra mắt của anh “Những cái tên, những gương mặt” đã sớm làm nóng văn đàn. Trong tập bút ký này, qua những chân dung đặc sắc dưới cái nhìn độc đáo của Quốc Bảo, đã mở ra trước mắt ta một bức họa chấm phá nhưng rất sâu về đời sống nghệ thuật Sài Gòn.
Trong cuốn bút ký chân dung này, Quốc Bảo chọn ra trên 20 người để viết chân dung. Đó là những ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, người mẫu, nhiếp ảnh gia, nhà sản xuất âm nhạc... như: Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Trần Thu Hà, Khắc Triệu, Cẩm Vân, Bảo Chấn, Lê Quang Đạo, Lê Thanh Hải, Phạm Hoài Nam, Lê Thiết Cương... Theo tác giả, con số có thể là ngẫu nhiên nhưng các nhân vật thì không hề, bởi họ “khi đã vụt qua óc não tôi vào lúc tôi chuẩn bị cuốn sách, tất đã phải khắc một vệt sâu trong đời sống tôi ở một giai đoạn. Ở một thời. Đã cày lên palette đời tôi một vết xước màu.
Tôi không chủ tâm chọn toàn người nổi tiếng: những ai là người của đám đông chỉ xuất hiện ngẫu nhiên trong danh sách, do tôi nhặt ra từ các tản văn đã đăng rải rác trên báo. Hai mươi người, thực ra, không đủ, bạn hữu mới là một phần nhỏ bạn hữu, gương mặt và cái tên mới chỉ là mặt và tên tượng trưng, nhưng làm sao đầy đủ được với chỉ một tập sách. Đành vậy”.
Với mối quan hệ thân thiết cùng các nhân vật, Quốc Bảo đã đem đến cho ta một góc nhìn khác biệt về những người của công chúng. Đó là một Mỹ Tâm “mặc áo một vai, người thơm nức nước hoa CK Eternity, khe khẽ hát theo bài hát, mắt mơ màng, bao giờ thì bé mới ngồi đây như thế này mà nghe người ta mở nhạc của bé anh nhỉ”; một Lê Thanh Hải không phải trong vai trò nhiếp ảnh gia nổi tiếng mà là “một chuyên viên âm thanh tài tử đầy máu mê”, một Khắc Triệu chiều chuộng người bạn đời Cẩm Vân hết lòng...
Bên cạnh phần lời, Quốc Bảo còn thực hiện một loạt ảnh chân dung của các nhân vật. Bằng hai hiệu máy yêu quý nhất của ông là Leica và Hasselblad, ông muốn "viết" bằng ảnh những điều không thể diễn đạt bằng chữ. Ảnh, xếp bên cạnh chữ, giúp tác giả nói cho kỳ cùng niềm cảm mến, thương yêu ông dành cho nhân vật; và nhân vật, đến lượt họ, lại thông qua ảnh để tương thông với ông, nói với ông những điều họ không nói qua ngôn từ.
Niềm vui toát ra từ ánh nhìn có khi lan tỏa rộng sâu hơn cả tiếng hò reo cười nói. Và nắng, và ánh sáng, và bóng tối, và những vệt mờ vệt tỏ trên ảnh, phải chăng chính là thân ái, là yêu thương, là trân quý tạo nên?
Tác giả trải lòng về cuốn bút ký chân dung và những nhân vật có mặt trong này: “Họ đã chiếm một chỗ nào đó trong đời sống tôi, làm nên tôi như tôi đang là. Vậy thì viết về họ cũng là một cách tri ân. Tôi đã sống hơn bốn mươi năm vui buồn sướng khổ ở Sài Gòn, đã được bầu không khí đô thị nuôi nấng, đã trả giá và trả nợ cuộc đời tại nơi đây; Sài Gòn cũng là nơi tôi đã gặp gỡ và lìa xa nhiều người. Vậy thì cuốn sách nhỏ này thực chất là viết về Sài Gòn, cho Sài Gòn của tôi đó”.
A.A