"Những kẻ hèn nhát" của Josef Škvorecký viết về tám ngày cuối cùng (từ 4/5 đến 11/5/1945) của Đại chiến Thế giới II tại thị trấn nhỏ gần biên giới Séc - Đức (được tác giả đặt tên là Kostelec).
Đầu tháng 5/1945, Hitler đã tự sát nhưng tại Tiệp Khắc, quân Đức vẫn không chịu hạ vũ khí. Những người yêu nước Tiệp Khắc phát động cuộc khởi nghĩa nhưng bị quân Đức đàn áp. Cả thị trấn xôn xao về tình hình chiến sự, nhưng chàng sinh viên Danny chỉ có hai mối quan tâm là phụ nữ và nhạc jazz. Khi một lực lượng dân quân địa phương được thành lập nhằm mục đích giữ gìn trật tự an ninh cho thị trấn, Danny và những người bạn trong ban nhạc của anh lại tỏ ra thờ ơ, kể cả khi bị buộc phải tham gia lực lượng quân sự này. Chỉ tới khi những người tị nạn tràn vào thị trấn, quân Đức nổ súng cùng tình cảnh hỗn loạn trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến ở châu Âu bao trùm Kostelec, thì nhân vật chính mới thật sự đối mặt với những câu hỏi về cuộc đời, mục đích và tương lai.
Bằng giọng văn đậm chất hoạt kê, "Những kẻ hèn nhát" khiến độc giả được trải nghiệm một giai đoạn lịch sử mà không có cảm giác đen tối, u buồn, ám ảnh.
Cuốn sách dịch ra 17 ngôn ngữ, được tái bản 11 lần, trở thành một trong những cuốn sách phải đọc ở nhà trường và có mặt trong đề thi tốt nghiệp văn học tại trường phổ thông trung học Séc.
Với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Cộng hòa Séc và Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam cùng Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, tác phẩm văn học này đã được dịch sang tiếng Việt bởi dịch giả Bình Slavická - người Việt duy nhất cho đến nay được trao giải Gratias agit vì những đóng góp to lớn trong việc truyền bá văn hóa, con người Cộng hòa Séc ở nước ngoài.