Những khát vọng "được là chính mình"

Hưởng ứng Ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (17/5), Nhà hát Tuổi trẻ cho ra mắt hai vở diễn: "Được là chính mình" (Stereowoman) và "Cầu vồng lục sắc". Có lẽ, đây là lần đầu tiên nghệ thuật lên tiếng mạnh mẽ như vậy với khát vọng được là chính mình của những con người thiếu may mắn này...

 

Giả vờ như không khác biệt

 

"Được là chính mình" là ý tưởng của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), được trình diễn bởi các nghệ sỹ Đoàn kịch Thể nghiệm Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam. "Được là chính mình" chính là ước mơ, khao khát của những người đồng tính, nhưng tới nay vẫn chưa thể thành hiện thực. Vậy, họ sẽ phải lựa chọn sống như thế nào? Sống "bình thường” theo cách hiểu của mọi người, hay sống đúng những gì tạo hóa đã ban cho họ để sống trên cuộc đời này? Để cho những ước mơ đó được trọn vẹn một ngày không xa, vở diễn “Được là chính mình” ra đời với thông điệp: "Hãy là chính mình, vì hạnh phúc nằm trong tay bạn!"


 

Một cảnh trong vở diễn "Được là chính mình" của Nhà hát Tuổi trẻ.

Không có một cốt truyện duy nhất, vở diễn là những mảnh ghép nhiều màu sắc đa dạng về cuộc sống. Những bức tranh, những mảnh đời, những cảm xúc lần lượt được tái hiện trên sân khấu. Khi là một không khí bức bối dai dẳng nhằm giấu kín con người thật của mình vì sợ làm tổn thương những người thân yêu. Khi lại là sự “liều lĩnh” lộ diện để sống thật, hay lâm vào những tình huống vô tình bị lộ không kém phần hài hước và dễ thương. Khán giả có lúc ngậm ngùi trước những hành động phản đối mạnh mẽ từ các bậc cha mẹ trước tình yêu đồng giới của đứa con gái mình yêu thương, hoặc rơi nước mắt trước những con người tự ép mình để nỗ lực trở thành người "bình thường" theo quan điểm của xã hội. Họ gần như vắt kiệt thể xác và tâm hồn để trở thành một bản thể không phải là mình. Nụ cười, sự hài lòng của người thân và cộng đồng phải đánh đổi bằng những giọt nước mắt, sự đau xót ẩn sâu bên trong... Cuối cùng, bên cạnh sự cấm đoán, kì thị, chối bỏ, một số người đã được chấp nhận sự “khác biệt”. Dẫu thái độ chấp nhận đó là tự nguyện hay phần nào miễn cưỡng vẫn là niềm hy vọng về sự cởi mở, sẻ chia, cùng tôn trọng tính đa dạng và bản sắc trong xã hội văn minh.


Tác phẩm được công diễn lần đầu ngày 10/5/2012 tại Nhà hát Tuổi trẻ và biểu diễn miễn phí cho sinh viên thuộc 5 trường đại học tại Hà Nội trong dịp cuối tháng 5, sau đó sẽ tiếp tục được công diễn tại các trường đại học của TP Hồ Chí Minh trong tháng 9/2012.

Khi cầu vồng thiếu một sắc


Năm 2012 này, tổ chức PEPFAR (Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Hoa Kỳ) tại Việt Nam phối hợp với Tổ chức sức khỏe gia đình quốc tế tại Việt Nam (FHI 360) tiếp tục hỗ trợ Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng và công diễn vở kịch tâm lý xã hội mang tên “Cầu vồng lục sắc” (Đạo diễn NSƯT Anh Tú). Đây là bước đi tiếp theo trong tiến trình thực hiện dự án "Đưa nghệ thuật vào phát triển cuộc sống tại Việt Nam" và cũng là hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (17/5), với các mục tiêu nhằm góp phần cải thiện sức khỏe và phúc lợi của dân số Việt Nam, đặc biệt với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và không có được đầy đủ quyền công dân trong xã hội, thông qua nghệ thuật cùng các tiếp cận truyền thông, nhằm thay đổi hành vi và xã hội.


“Cầu vồng lục sắc” là một câu chuyện xoay quanh cuộc sống của một người đồng tính nam tại Việt Nam. Trước áp lực của gia đình, anh buộc phải kết hôn với một người phụ nữ và sinh con để duy trì nòi giống dòng họ. Song song với cuộc hôn nhân này, anh vẫn tiếp tục giữ quan hệ với người bạn trai lâu năm. Kết thúc vở diễn là khi bí mật bị bại lộ, tất cả những người thân của anh đều trở thành nạn nhân của cuộc sống hai mặt này...


“Những quyết định sai lầm trong cuộc sống của những người đồng tính có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng nhiều năm về sau. Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết, kỳ thị và phân biệt đối xử sẽ làm tăng các nguy cơ về sức khỏe, trong đó có nguy cơ lây nhiễm HIV cho những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam” chính là thông điệp của vở diễn muốn gửi tới công chúng.


Vở diễn “Cầu vồng lục sắc” do đạo diễn, NSƯT Anh Tú dàn dựng và tập thể nghệ sỹ Đoàn kịch 1 của Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn sẽ ra mắt khán giả trong các ngày 15, 16 và 17/5/2012 tại Nhà hát Tuổi trẻ - 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.


Hai vở kịch được công diễn trong một tuần lễ, thể hiện sự đóng góp của Nhà hát Tuổi trẻ trong việc đưa nghệ thuật tác động vào cuộc sống, để những số phận đồng tính được hiểu và được chia sẻ nhiều hơn.


P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN