Trước đây, có những gánh tuồng trong dân gian đi diễn khắp nơi, nhưng những gánh hát ấy giờ mỗi năm mỗi vắng...
Năm 1998, khi tôi học lớp 5, có một gánh tuồng ở xứ nào không biết, về làng tôi lưu diễn trong 3 đêm. Cái hội quán thôn 3 Duy Thành (Duy Xuyên, Quảng Nam) trong những đêm ấy đông nghịt người, có bán vé hẳn hoi nhưng rào che thì sơ sài lắm, đứng ở ngoài xem tuồng cũng được. Chắc họ bán vé chỉ để lấy lệ, chủ yếu nhờ vào lòng hảo tâm của người xem.
Trong 3 ngày ấy, cứ chiều hôm ba tôi lại đi đổi tiền, đem về những tờ tiền lẻ 200 đồng, để mỗi tối xem diễn, cũng như nhiều người khác, tới đoạn diễn nào cảm động, nhiều người rơi nước mắt, trong tiếng trống chầu thùng thùng, lại vãi những tờ 200 đồng này lên sân khấu, có người trong gánh hát tới nhặt. Xong đêm diễn cuối cùng, một người đàn ông trong gánh hát, chắc là ông bầu gánh, nói lời tạm biệt bà con, rằng cảm ơn bà con đã ủng hộ rất nhiệt tình và hứa sẽ quay trở lại. Tôi nhớ rất rõ, khi nói xong, ông ấy khóc, lúc ấy tôi không hiểu vì sao ông khóc.
“Ma tuồng” Phạm Phú Thống bên những bản chép tuồng bằng chữ Nho đã quá rách nát. |
Lớn lên, từ học sinh thành sinh viên, tôi luôn khắc khoải rằng, một ngày nào đó, gánh hát ấy sẽ trở về làng như đã hứa, nhưng sao thấy biệt tăm. Ba tôi bảo, chắc gánh đã rã rồi; nhưng tôi tin rằng vẫn còn. Và như một lá diêu bông số mệnh, tôi đi tìm…
Đất Duy Xuyên (Quảng Nam) quê tôi không phải là cái nôi của tuồng Quảng Nam. Những gánh hát vang bóng một thời như Đức Giáo, Khánh Đức... rồi những nhân vật được mệnh danh là “Ngũ Mỹ”: Những Đá, những Nguyên, Quản Lan, Cửu Vị, Quyền Ngữ hay các nghệ sĩ tuồng trứ danh như Nguyễn Nho Túy, Tống Phước Thổ… không phải người ở quê tôi. Ở xứ Quảng Nam này, tuồng khởi nguồn từ giữa thế kỷ XVIII từ “Đàng Bộ” (sơn – bán sơn địa) “chuyển” dần xuống vùng “Đàng Nước” (đồng bằng, biển). Nhiều lúc ganh tỵ một cách trẻ thơ, Duy Xuyên là địa phương duy nhất ở Quảng Nam có thế đất “dựa lưng vào núi, duỗi chân xuống biển”, tức bao gồm cả “Đàng Bộ” – “Đàng Nước”, lại không có một gánh tuồng nào trứ danh trong quá khứ. Nhưng tự an ủi rằng, sau năm 1975, khi ở các địa phương khác, tuồng đã tàn thì ở Duy Xuyên vẫn còn có đội tuồng Duy Châu, đội tuồng HTX Duy Sơn 2… mà tiêu biểu là đoàn tuồng Sông Thu.
Những đội tuồng trên bây giờ đã rã gánh. Riêng đoàn tuồng Sông Thu, như lời nhiều cán bộ Phòng VH – TT huyện Duy Xuyên nói với tôi: “Về danh nghĩa thì vẫn còn tồn tại đấy, nhưng thực đã rã rồi. Bởi tuy còn giấy phép hoạt động nhưng đạo cụ, phục trang mấy lần bão lụt cuốn sạch sành sanh. Diễn viên thì nhiều người đã qua đời, một số đã quá thập cổ lai hy nên không diễn được, những người diễn được thì lại đi nơi khác sinh sống, kể cả ông trưởng đoàn”.
Thời học sinh, tôi hay rong ruổi chiếc xe đạp về Hội An, lang thang trên các nẻo dài khi rằm trăng để xem tuồng. Rồi ra Huế làm sinh viên, trong mỗi dịp Festival, bên dòng Hương Giang, tôi cũng được xem diễn tuồng. Tôi thắc mắc rằng, vì sao người ta chỉ diễn tuồng trong dịp hội, dịp lễ bởi những đoàn tuồng do Nhà nước lập, còn những gánh tuồng dân gian, đi rong diễn khắp nơi như tuổi thơ tôi đã từng xem lại không thấy. Không kể những đoàn tuồng lớn như Nguyễn Hiển Dĩnh, Đào Tấn, thì đội tuồng bây chừ gồm những người “vừa chân đất vừa chân hia”, chỉ diễn trong một dịp nào đó. Còn gánh tuồng là “hội” của những người ăn với tuồng, ngủ với tuồng, sinh nhai bởi tuồng; nói tới “gánh” là nói tới sự “đi”, đi khắp nơi để diễn, để phiêu bạt, để giang hồ. Bây giờ mới hiểu, ngay cả những đội tuồng được Nhà nước bảo trợ cũng khó có đất sống, thì lấy chi những gánh tuồng này tồn tại. Một cuốn sách nói rằng, ngày xưa, gánh tuồng trứ danh Đức Giáo ban đêm thì diễn tuồng, ban ngày thì đi ăn xin. Bây giờ, nếu có người nào đó lập một gánh tuồng thì chắc gánh này chỉ chuyên một việc... ăn xin, bởi có ai lại xem diễn tuồng vào thời buổi này.
Duy Xuyên còn có một Hội bảo trợ tuồng, nhưng theo nhiều người thì hội này cũng chỉ tồn tại trên giấy, như đoàn tuồng Sông Thu thôi. Nghe đâu, năm ngoái, để cứu vãn cho cái ngành tuồng đang bị mai một, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện có phối hợp với Hội bảo trợ tuồng đề ra dự án đưa tuồng vào giảng dạy trong trường học, có lên báo hẳn hoi; nhưng chừ, ông Nguyễn Quỳnh, Chủ tịch Hội bảo trợ tuồng Duy Xuyên, lại bảo: “Tôi tự bỏ tiền túi, lặn lội ra tới Bộ VH, TT & DL để xin kinh phí làm dự án. Mấy đồng chí ở Bộ nói về liên hệ với tỉnh để tỉnh gửi công văn yêu cầu ra Bộ, để Bộ có cơ sở pháp lý để hỗ trợ. Tôi làm đúng trình tự như vậy, nhưng bấy lâu nay vẫn thấy Sở im re, chẳng đả động gì. Dự án coi như chết trong trứng”.
Về tổ 7, thôn Phú Nham, xã Duy Sơn thăm cụ Phạm Phú Thống, người được những cán bộ Phòng VH – TT Duy Xuyên gọi là “người sót lại của rừng tuồng Duy Xuyên”, là “con ma tuồng”, mới thấy cám cảnh cho những người “muôn năm cũ”. 86 tuổi, trên khuôn mặt cụ, những vết thâm da mồi trông như là sự “dặm mặt” của máu tuồng, của gần trọn một đời người gắn bó với tuồng. Gia đình cụ thuộc loại “tuồng nòi”. Cụ kể, cụ học tuồng từ ông nội và cha. Trước năm 1975 cụ lập gánh hát xã Xuyên Hiệp rong diễn khắp nơi cả trong và ngoài tỉnh. Sau 1975, gánh này tan rã, lại làm Đội trưởng đội tuồng HTX Duy Sơn 2. Đến năm 1985, thì đội này lại tan rã”.
Người ta nói cụ là “con ma tuồng” thật không ngoa. Không cần nhìn vào những cuốn sách chép tuồng đã mục nát được lưu giữ, cụ vẫn có thể đọc vanh vách nhưng câu tuồng của cả vai đào, vai kép, tướng… trong các vở tuồng cổ như Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương đến những vở tuồng pho như Ngũ Hổ, Chung Vô Diệm. Để minh chứng cho giá trị của tuồng, cụ lấy từ trong tủ kính ra những mãng, những bào, giáp, cờ lệnh…những đạo cụ, phục trang đã quá cũ sờn, rách nát, rồi mặc vào. Một ông già với một bộ đồ rách te tua đang múa may trước mặt tôi. Cụ vào một vai kép, vai Kim Lân trong vở Sơn Hậu, rồi làm một động tác bê, hai chân líu ríu, lướt thướt như thuyền trên mặt nước, rồi xướng: “Văn tương ngọc lệ lưu liên, bất giác yên đảo hà, mẹ mẹ ơi”. Diễn một chặp, kép “bê” một lần nữa, rồi té bổ nhào…
Tôi nhìn cụ diễn mà không khỏi ái ngại. Tôi thường nghe người ta nói rằng “múa may như múa tuồng” để nói về ai đó đang hoa chân múa tay. Nhưng múa tuồng đâu phải dễ, từ những cấm kỵ như “hường sai”, “tán lãng”, “trại”, “bẹ”, “mướt”… đến những khuôn phép như “lục tự”, “tứ tương”, biết bao công phu người nghệ sĩ bỏ ra để một câu nói lối, một lời hát nam, hát khách, một “bộ”, một động tác diễn… có khí, có thần. Đấy là chưa nói đến giờ đây đâu còn cái thời của tiếng thùng thùng trống chầu ngạo nghễ, của “bê”, của “siếng”, của “ký”, của những tiếng thét oai hùng trên sân khấu, của những gánh tuồng rong ruổi miền xa. Đâu còn cái thời, ngoài đồng, cùng lũ trẻ chăn trâu, lấy lá mít chằm mũ dùng rễ dứa kết lại làm râu, tìm những khúc củi, khúc tre làm gươm giáo, nghêu ngao diễn lại nhưng tích tuồng tối hôm trước vừa xem. Đâu còn cái thời như ông Dương Văn Om trong “Ô Châu cân lục” viết: “Hễ có việc kỳ yên thì chỉ một lễ mọn gà xôi cũng bầy trò hát xướng”.
Trong lần xem hát đêm hôm ấy, tôi thấy thương thương cho cái người cầm nón lom khom nhặt tiền rơi vãi trên sân khấu. Tôi hiểu rằng vì sao họ không dám làm rào che kín mít, vì sợ không có người nào tới xem. Và tôi cũng hiểu, vì sao người đàn ông đêm ấy lại khóc. Khóc bởi sự ủng hộ nhiệt tình của dân làng tôi, bởi nghĩ rằng vẫn còn có những người thương cho cái “hồn ở đâu bây giờ” của những người “muôn năm cũ” như mình.
Thiên Lý