Nếu một lần đến Đắk Lắk, sẽ thiếu sót nếu bạn không gặp những chú voi- niềm tự hào lâu đời của người dân ở đây. Và có những người luôn muốn làm mọi điều để những niềm tự hào đó còn mãi. Đó là những nhà nhiếp ảnh chụp ảnh voi có tên Lê Văn Thao, Nguyễn Bá Ngọc, nhà sử học Dương Trung Quốc...
Làm thư ký cho “những người bạn lớn”
Khi chồng đeo ba lô lên đường vào Tây Nguyên, vợ của nhà nhiếp ảnh Lê Văn Thao cũng không nghĩ anh sẽ ở lại lâu đến thế. Hai chuyến đi, mỗi chuyến đã ngốn đứt của anh cùng người bạn đồng hành Nguyễn Bá Ngọc một tháng ròng. Những ngày ở Đắk Lắk, hai anh cùng vào rừng chăn voi cùng các quản tượng, gần như sống cuộc sống “ba cùng” với chúng. Để rồi, với mỗi chú voi, các anh lại có một câu chuyện của riêng chú. Những câu chuyện đó được ghi lại trân trọng trên mặt sau của mỗi trang sách. Cùng với mặt trước là tấm ảnh voi, chúng kết hợp lại thành một tấm bưu ảnh.
Bạn voi Bun Năng làm du lịch. Ảnh: Bá Ngọc |
Đằng sau chân dung của “cô” voi Băn Năng là câu chuyện thế này: “Băn Nang là con voi của dòng họ Lưk, một dòng họ chiếm đến 30% dân số ở buôn Rung. Việc voi thuộc sở hữu của một dòng họ là khá phổ biến. Hầu hết các sự kiện lớn như ma chay, cưới hỏi, các buổi lễ lớn của dòng họ, Băn Nang đều tham gia như một biểu tượng của sự thịnh vượng. Những ngôi nhà của dòng họ Lưk ở Yang Tao phần lớn đều do Băn Nang kéo gỗ và dựng cột”.
Một chân dung khác trong tập sách là Hoa hậu voi H’Băn. Tác giả Lê Văn Thao viết: “H'Băn được mệnh danh là "Hoa hậu voi", nó có một thân hình cao lớn, đầy đặn, và đặc biệt là một chiếc đuôi, với những sợi lông dài mượt mà. Những người ở buôn Jun tự hào về nó lắm. Ai cũng bảo nó là con voi đẹp nhất huyện Lắk. Trên hình ảnh là chiếc đuôi của H'Băn bây giờ. Do nạn chặt trộm đuôi voi, chủ voi phải xót xa cắt hết lông, hy sinh vẻ đẹp tự nhiên của nó. Không nói ra được nhưng chắc nó cũng buồn lắm!...”.
Nghĩa là với mỗi chú voi, câu chuyện bao giờ cũng sinh động, linh hoạt và rất người. “Tôi nghĩ, mọi con voi cơ bản đều giống nhau. Có khác chăng là câu chuyện về chúng. Chính những câu chuyện đó khiến người xem yêu thương voi hơn, muốn bảo vệ voi hơn. Và đó chính là mục đích mà chúng tôi hướng tới”, anh Thao- thư ký cho những chú voi nhà còn lại ở Đắc Lắc nói.
Đừng để voi chỉ còn là ký ức
Nhà sử học Dương Trung Quốc lại nhìn những câu chuyện voi với cái nhìn “di sản”. “Tôi vẫn nghĩ, voi không chỉ quan trọng ở khía cạnh bảo tồn. Voi còn là người bạn của người Việt trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Và do đó, nếu chúng ta không bảo vệ thì có lúc muốn làm phim về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, chúng ta sẽ phải sang nước khác... thuê voi”.
Theo ông Quốc, người Việt sớm biết thuần dưỡng và sử dụng sức mạnh của loài voi để tạo dựng và bảo vệ quốc gia độc lập. Lịch sử còn ghi lại những đoàn tượng binh dũng mãnh từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu cho đến đoàn voi lặng lẽ vận chuyển lương thực, vũ khí trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Có thể nói, con voi đã trở thành những “người bạn lớn” của con người trong suốt chiều dài của lịch sử.
Song bề dày lịch sử ấy không ngăn nổi thảm cảnh đàn voi vẫn đã và đang suy giảm một cách nhanh chóng. “Chung số phận với những đàn voi hoang dã, đàn voi nhà của Tây Nguyên cũng mai một từng ngày, cả về số lượng cũng như chất lượng. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 1985, Tây Nguyên có trên 500 con voi nhà thì đến nay không biết có còn được 100 con?”, ông Quốc trăn trở. Rõ ràng, mất đàn voi chúng ta không chỉ mất con voi mà còn mất cả một phần ký ức dân tộc.
Bản thân cuốn sách ảnh ra đời cũng đã là một cuộc vận động nâng cao ý thức bảo vệ voi. Ông Quốc cho biết, sách được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Nhiều đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp đã góp tiền để in sách, in pano những tấm ảnh trong sách để tổ chức triển lãm hình ảnh những con voi nhà cuối cùng ở Tây Nguyên. “Mỗi người như thế không cần đóng góp nhiều, nhưng chúng tôi có nhiều người đóng góp. Có như thế ý thức bảo vệ voi sẽ lan rộng. Chưa kể nó còn bay xa theo những câu chuyện voi trên bưu thiếp mà bạn bè gửi cho nhau”, ông Quốc nói, giọng không giấu nổi hy vọng tràn trề.
Cầm Trang