Cái đầu nghênh nghênh, lắc lắc, mái tóc ngắn xoăn tít với cặp kính cận, trang phục bụi, thẳng thắn và luôn cho mọi điều là đơn giản. An My cực kỳ "sung" khi nói về âm nhạc và nhất là về “Bóng”… Tất cả những điều ấy có ở một Phó An My táo bạo, phá cách trong âm nhạc nhưng cũng rất nghiêm khắc với bản thân.
Ý tưởng
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, 5 tuổi, My bắt đầu làm quen với cây đàn piano, 13 tuổi, chị sang Béclin (Đức) thi đỗ vào trường E.M..Philips Bach - một trong những trường đào tạo âm nhạc nổi tiếng ở Đức. Năm 1996, Phó An My đoạt giải Nhất cuộc thi song tấu piano - clarinet tổ chức ở Béclin và năm 1998, chị tốt nghiệp loại xuất sắc.
Sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu không nhắc đến một An My với những ý tưởng có phần hơi "phá cách": Đó là sự kết hợp tưởng chừng vô lý giữa khí nhạc cổ điển phương Tây với một số thể loại âm nhạc dân gian Việt Nam như tuồng tích, hò mái đẩy Huế, hát cọi dân ca Tày… và gần đây là với hát văn. Những chương trình như Phiêu thanh, Lửa thiêng (2008), Những điều còn mãi với bồng bềnh (2009), Tiếng thốt (2010) đều rất thành công với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách piano cận đại của Phó An My và những ngôn ngữ âm nhạc dân gian Việt Nam.
Nghệ sĩ piano Phó An My trong phần mở đầu của “Bóng” - Ouverture Nghênh thần. |
Góp phần làm nên tên tuổi Phó An My phải kể đến những bản khí nhạc của nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên. Am hiểu sâu sắc về khí nhạc, đặc biệt yêu mến âm nhạc dân gian, Nguyên luôn tìm kiếm, sáng tạo ngôn ngữ âm nhạc mới trên nền chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam. Trong những tác phẩm của Đặng Tuệ Nguyên, âm nhạc dân gian Việt Nam luôn được trân trọng, không bị bóp méo, vai trò của từng thực thể luôn được tồn tại một cách công bằng và khéo léo, tinh tế.
Và thế là My hình thành ý tưởng và Nguyên viết, rồi My diễn, nhưng là diễn theo cách của My. "Nguyên và mình khá hợp nhau nên không có bất cứ khúc mắc gì về ý tưởng", My cho biết.
My tâm sự: "Lúc mới về nước, nhìn đời sống nhạc cổ điển lặng lẽ, chán ngắt, mình đã từng bỏ nghề và làm một nghề hoàn toàn không liên quan đến nghệ thuật. Nhưng rồi không chịu được, phải làm gì đó để trở lại với nghề. Mình nghĩ, "bắt" khán giả ngồi nghe piano suốt một tiếng đồng hồ thì không ai chịu nổi, nhưng nếu xây dựng chương trình như một tác phẩm lớn có kết cấu với những cuộc đối thoại bằng âm sắc của cây đàn piano và các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam thì lại rất dễ chịu".
Thế là ý tưởng kết hợp piano với các nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, sáo, nhị, tiêu, phách… ra đời và các đêm diễn của My luôn "cháy" vé.
"Bóng" và My
Không dựa trên ngôn ngữ trong âm nhạc hát văn, Đặng Tuệ Nguyên lấy cảm hứng từ những lời thơ cổ để tạo ra nhiều nhân vật với nhiều tính cách khác nhau qua những biến tấu ngẫu hứng từ cây đàn piano. Trong "Bóng", piano và nghệ thuật hát văn như hai thực thể độc lập song song tồn tại nhưng vẫn giao thoa, bồi đắp cho nhau.
Hình thành ý tưởng từ khá lâu nhưng theo My, để "chạy" được chương trình thì có rất nhiều việc phải làm. My tâm sự: "Mình đọc sách về đạo Mẫu trong khoảng nửa năm liên tục, hầu như không ngủ một đêm nào. Sau đó nghĩ "mưu", rồi đưa ra đường lối, trao đổi và Nguyên viết".
"Bóng" được xây dựng dựa trên những câu chuyện của tín ngưỡng đạo Mẫu. Đây là một tín ngưỡng đẹp của dân tộc Việt, đáp ứng được những nhu cầu tinh thần và những khát vọng tâm linh trong đời sống thường nhật của người dân. Vì thế khi làm chương trình, My và các đồng nghiệp tâm niệm phải thật cẩn thận, phải thật đúng, không được phép "phá" cả về thứ tự xuất hiện của các Nhập lẫn ngôn từ, trang phục của từng nhân vật trong từng Nhập.
My tâm sự, chị muốn khán giả hiểu hơn về văn hóa trang phục trong đạo Mẫu. Vì thế với Nhập nào, chị lại mặc trang phục của nhân vật Nhập ấy. Âm nhạc của từng Nhập là phần đối thoại của piano và các nhạc cụ dân tộc. Giữa các Nhập trong "Bóng", trong khi My được hai hầu dâng thay trang phục ngay trên sân khấu để hóa thân vào nhân vật tiếp theo thì các nghệ sĩ hát văn Thanh Hoài, Thanh An sẽ trình diễn, kết nối khán giả đến với nhân vật mới trong chương trình. Qua đó khán giả có thể hiểu được tích truyện, tính cách của nhân vật. Ở từng Nhập, với lời hát, tiếng đàn, bất kỳ ai, dù chưa một lần biết về hầu văn, cũng hoàn toàn bị "húc" vào "Bóng".
Để những người vốn yêu mến hát văn không cảm thấy họ đang bị "xúc phạm" khi hát văn bị đưa lên sân khấu và trình diễn bằng cách hoàn toàn mới, nghệ sĩ piano lại vào vai ông đồng - bà cốt. My và các đồng nghiệp tâm niệm, phải làm chương trình theo chuẩn mực, tôn trọng những giá trị văn hóa dân gian của hát văn. Nhất định "Bóng" (20 giờ ngày 22/8/2011 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và 20 giờ ngày 31/8/2011 tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh) sẽ là một chương trình hòa nhạc đúng nghĩa.
Tìm ra cho mình con đường sáng tạo nghệ thuật chông gai và thử thách, với sự giúp sức của những đồng nghiệp, Phó An My đang nỗ lực bước đi đầy tự tin.
Nguyễn Cúc