Ở đây chỉ xin nói riêng khía cạnh quảng bá và tiếp thị điện ảnh tại Cannes. Xét về lịch đại, qua người Pháp, nền điện ảnh Việt Nam, tuy còn yếu nhiều mặt, nhưng không thể nói là non trẻ, vì nó được sinh ra trong bối cảnh đồng đại với điện ảnh Pháp, Mỹ và thế giới.
Nói cách khác, lịch sử đó là một thế mạnh cho việc quảng bá, tiếp thị, vấn đề là chúng ta ứng xử, vận dụng với lịch sử đó như thế nào? Người Pháp và châu Âu rất thích giá trị văn hóa, lịch sử… nhưng thông qua các hình chụp sự kiện tại Cannes lần thứ 70, có vẻ như phía Việt Nam mới chỉ giới thiệu vài hình ảnh mang tính bề mặt về điện ảnh hôm nay. Nếu có thêm một quyển sách, một vựng tập, hoặc một phim tài liệu để kết nối chiều sâu thì hay hơn rất nhiều.
Lý Nhã Kỳ in các pa-nô lớn để quảng bá hình ảnh Việt Nam. |
Các nghiên cứu về thị giác công cộng cho thấy sức tác động của pa-nô đến nhận thức và trí nhớ của người lạ, sản phẩm lạ… là có, nhưng rất hạn chế. Vì vậy đừng quá trông chờ sức tác động từ vào các pa-nô mà Lý Nhã Kỳ treo tại Cannes, mà hãy mong nữ doanh nhân này luôn vững vàng tài chính để tiếp tục tài trợ Cinéfondation trong các năm sau.
Hơn nữa, đây là phần “khuyến mãi” mang tính cá nhân của Lý Nhã Kỳ, cô tự “cam kết” thì tự làm thôi. Chứ nếu cần một tiếng nói có tính chính danh cho du lịch và điện ảnh năm nay thì khó ai qua tân Đại sứ du lịch Việt Nam - đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, rất tiếc anh đang bận nhiều việc khác, không đến Cannes.
Chính những hoạt động tài trợ, đôi khi bị đánh giá thấp, lại có một sức tác động hữu hiệu tới việc quảng bá và gây thanh thế cho nền điện ảnh. Sở dĩ hai phim dài đầu tay là “Culi không bao giờ khóc” của Phạm Ngọc Lân và “Vị” của Lê Bảo được chọn đến Cannes cũng nhờ một khía cạnh khác của “tài trợ”.
Đó là nhờ đạo diễn Phan Đăng Di và nhà sản xuất Trần Bích Ngọc đã đích danh mời ông Georges Goldenstern (Chủ tịch Cinéfondation) tới Đà Nẵng để tham dự chương trình Gặp gỡ mùa Thu về làm phim. Mà sự kiện này còn có đạo diễn Trần Anh Hùng - một niềm tự hào của người Pháp - đứng lớp, thì sức ảnh hưởng về tiếp thị là không hề nhỏ.
Nói về quảng bá, tiếp thị điện ảnh, thì cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là tác phẩm, rất may Đêm Việt Nam vừa diễn ra còn có “Đảo của dân ngụ cư”, nếu không thì thành ra nói suông. Bởi năm qua, dù Việt Nam làm vài chục phim, nhưng rõ ràng xét về “gu” thẩm mỹ, đâu có mấy phim “đủ tầm đủ tuổi” để đến quảng bá tại Cannes, nơi mà chất lượng nghệ thuật luôn đặt lên hàng đầu.
Cho nên việc quảng bá, tiếp thị điện ảnh là chuyện không của riêng ai, và cần có tầm nhìn lâu dài. Việt Nam phải làm sao có thêm nhiều tác phẩm có giá trị sáng tạo, nghệ thuật thì các việc làm bề nổi như vừa rồi mới đủ sức đi vào chiều sâu.
Đừng nói đâu xa, nhìn trong khu vực Đông Nam Á với Cannes, nơi mà Campuchia từng đoạt giải quan trọng thứ hai sau Cành cọ vàng, đó là giải Một góc nhìn khác, Thái Lan đã đoạt Cành cọ vàng, Singapore đoạt Camera vàng cho phim đầu tay, Philippines đoạt giải Đạo diễn xuất sắc… Chính những giải thưởng như thế này mới là công cụ quảng bá, tiếp thị hữu hiệu cho điện ảnh.