Phiên bản rác số 6 “Rác sông Hồng” là một bước đi tiếp kiên trì, lặng lẽ trên hành trình nghệ thuật tìm ngôn ngữ của rác, do Nghệ sĩ điêu khắc Yến Năng khởi xướng. Anh tự đứng ra tổ chức 6 phiên bản này và cũng là một trong những tác giả chính của sự kiện “Rác sông Hồng”.
Anh muốn chứng minh rằng, rác thải lên tiếng bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sắp đặt sẽ làm cho con người có trách nhiệm hơn với cuộc sống, thân thiện hơn với môi trường, biết lo lắng về những vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay.
Yến Năng lập luận và coi như một tuyên ngôn nghệ thuật: "Bất cứ rác rưởi nào cũng có cuộc sống tự thân của nó, nhìn vào rác, ta hình dung ra cuộc đời giai đoạn trước của nó; nhìn vào cách ứng xử với rác, ta nhìn thấy trình độ mọi mặt của cuộc sống xã hội đã thải ra nó".
Nghệ sĩ điêu khắc Yến Năng bắt tay vào công việc. |
Nghệ sĩ Yến Năng chia sẻ, anh được truyền cảm hứng từ những tác phẩm điêu khắc sử dụng nguyên liệu bỏ đi của danh họa Pablo Picasso, người sáng lập trường phái lập thể. Qua lăng kính và bàn tay Yến Năng, một khúc gỗ nhặt được, vỏ bao bì rơi vãi, mảnh dẻ, cành cây khô... đều hiện hữu sự sống mới rất đa dạng, cho ta những cảm xúc bất ngờ, những suy nghĩ về giá trị tiềm ẩn trong mọi thứ rất đỗi bình thường.
Tinh mơ se lạnh, trên bãi bồi phù sa ngay sát mép nước chân cầu Vĩnh Tuy, Yến Năng một mình lụi cụi chuyển vật liệu và bắt tay vào sáng tác, thỉnh thoảng tranh thủ gặm miếng bánh mì nguội ngắt để lăn lóc trên dệ cỏ. Vị trí này giới trẻ thường xuyên tụ tập vui chơi, picnic qua đêm, hoặc đua xe địa hình.
Những tác giả tham gia tùy hứng theo thời gian tự sắp xếp, như một lý do để hội ngộ, mọi người vừa có chung quan điểm sáng tác, vừa như tìm cớ để tách mình khỏi mưu sinh thường nhật, gặp nhau chia sẻ những buồn vui, những đau đáu trong lòng, những góc nhìn riêng về xã hội thực tại. Có họa sĩ bay từ Sài gòn ra, có họa sĩ đăng ký nhưng chẳng sáng tác gì, ra làm chén rượu với đôi món nhậu tạm cóc cáy, cốt để cổ vũ và cảm nhận chút gió lạnh chớm đông của sông Hồng.
Các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt dần thành hình. |
Lựa chọn sắp đặt trong không gian rộng mở đa chiều đã góp phần chắp cánh cho đề tài có tầm cỡ lớn hơn. Những tác phẩm “Rác sông Hồng” chủ yếu được sử dụng chất liệu dây dứa đỏ, kết nối nút thắt dạng lưới với chi chít cọc gỗ đóng trên những dải đất bồi, hoặc gắn buộc chằng chịt với bất cứ thứ gì nhặt được, vớt lên từ sông. Những cọc gỗ là mẩu thừa bỏ đi trong xưởng mộc sản xuất bàn thờ của Yến Năng. Một khúc xương, một thân cây khô cháy nham nhở, dăm mảnh bê tông, vài vỏ chai, vỏ quả dừa lăn lóc, vật dụng thờ cúng thả trôi sông... được các nghệ sĩ thổi vào một sinh khí mới.
Có tác phẩm tạo ra từ thân cây to cháy nham nhở, dựng đứng bên mép nước như cọc trận Bạch Đằng, có tác phẩm gợi liên tưởng về lãnh thổ trên biển, về ô nhiễm nguồn nước, có tác phẩm phảng phất màu triết lý Phật giáo...
Nút thắt và những day dứtNghệ sĩ điêu khắc Yến Năng dành tâm huyết đặc biệt với tác phẩm “Lòng người và lòng sông”. Anh căng dây, thắt nút, chia ô trên dải cát bồi, khách tham dự là một phần nội dung tác phẩm, cùng trải nghiệm cảm giác suy nghĩ của mình.
Tác phẩm “Lòng người và lòng sông”, một trong những tác phẩm tâm huyết nhất của Yến Năng. |
Người xem được phát cho tờ bìa màu hồng, ghi rõ tên, mục đích khi được sở hữu một ô đất trong tác phẩm và tự lựa chọn cắm vào ô đất đó. Mọi người thích thú nhưng không hề đơn giản, cân nhắc, nghiêm túc suy nghĩ khá lâu trước khi viết, như khai một tờ điều tra xã hội học, họ thực sự mong muốn nó có ích với họ và cộng đồng.