Tham dự có đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, cùng đông đảo người dân địa phương và khách du lịch.
Tại thung lũng mận Nà Ka, thị trấn Nông trường Mộc Châu - nơi tổ chức Ngày hội hái quả, từ sáng sớm, trong các vườn mận rộng hàng chục héc ta, người dân và du khách thích thú khi được trải nghiệm việc hái mận và ăn mận ngay tại vườn.
Chị Nguyễn Hà Thanh, du khách đến từ Hà Nam chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị và gia đình tham gia trải nghiệm việc hái mận và ăn mận tại vườn. Quả mận vừa hái xong còn rất tươi, ăn có vị ngọt và ngon hơn các loại mận chị vẫn thường mua trước đây. Đến Mộc Châu và tham dự lễ hội hái quả cũng là cơ hội để cho các con chị có thêm trải nghiệm về cuộc sống của người dân vùng cao.
Tại Ngày hội hái quả, du khách còn được tham gia nhiều hoạt động do người dân địa phương tổ chức như thi hái mận, thưởng thức mận, chế biến ẩm thực. Thông qua những hoạt động này, ngày hội đã tạo cơ hội để những người trồng mận giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm.
Anh Lò Văn Quý, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu bày tỏ, từ trước đến nay người trồng mận ở Mộc Châu dù làm ra sản phẩm chất lượng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Vì thế, đã dẫn đến tình trạng hàng năm cứ đến mùa thu hoạch mận giá cả lại bấp bênh, đầu ra không ổn định. Thông qua Ngày hội hái quả, người trồng mận mong muốn thương hiệu mận Mộc Châu sẽ được nhiều người biết đến để từ đó tạo ra thị trường tiêu thụ thuận lợi, góp phần giúp người trồng mận yên tâm gắn bó với loại cây này.
Việc tổ chức Ngày hội hái quả là hoạt động thường niên của huyện Mộc Châu từ năm 2014 tới nay nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm mận hậu Mộc Châu và tôn vinh những người trồng mận. Đồng thời, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tạo sự tương hỗ giữa phát triển nông nghiệp với du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch đến với Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.
Tham dự cùng người dân Mộc Châu trải nghiệm hoạt động hái mận, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ sự vui mừng trước những tín hiệu tích cực do việc trồng mận mang lại cho người dân Mộc Châu nói riêng và Sơn La nói chung. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đánh giá, những hoạt động như Ngày hội hái quả đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người trồng mận có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị, với những lợi thế trong phát triển nông sản, tỉnh Sơn La cần tiếp tục có những hoạt động thiết thực để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Huyện Mộc Châu cũng như tỉnh Sơn La cần đẩy mạnh việc thu hút, liên kết với các doanh nghiệp, công ty chế biến sản phẩm nông sản xây dựng các nhà máy phù hợp với đặc thù của địa bàn. Từ đó, tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định, giúp nông dân có cuộc sống ổn định nhờ những loại nông sản này.
Cây mận hậu được trồng tại huyện Mộc Châu từ những năm 1980. Mận được trồng nhiều ở khu vực thị trấn Nông trường và xã Tân Lập. Khí hậu thời tiết, đất đai tại Cao nguyên Mộc Châu là những yếu tố thuận lợi cho cây mận sinh trưởng và phát triển, cho ra những trái mận chất lượng, giòn, thơm và căng mọng so với những khu vực khác. Hiện nay, diện tích cây mận trên địa bàn lên đến 2.700 ha, sản lượng 24.000 tấn/năm. Mận đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu Nguyễn Thị Hoa cho biết, với những điều kiện thuận lợi, Mộc Châu được biết đến là vùng trồng mận lớn nhất cả nước. Hiện nay, sản phẩm mận hậu Mộc Châu đang được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất hữu cơ an toàn bền vững, thân thiện với môi trường. Để sản phẩm mận hậu được người tiêu dùng biết đến, huyện Mộc Châu đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu với 17 loại sản phẩm như logo, hộp đựng sản phẩm, các gian hàng… Trong thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân sản xuất theo quy trình an toàn, tiến tới việc cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý để hướng tới việc đưa mận hậu ra thị trường ngoài nước.