Trưng bày do Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Hội gốm sứ Bát Tràng tổ chức nhân kỷ niệm 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018).
Trưng bày giới thiệu 150 sản phẩm của 10 nghệ nhân gốm nổi tiếng ở nhiều dòng gốm khác nhau ở làng Bát Tràng như: Men rạn hoa nâu, lục bào, hoàng lưu ly, men rạn, đắp nổi, men chàm lam, men lam trắng, men rạn đàn, men gốm son đỏ, men gốm hồng sa, men đa sắc, men thấu quang... Người xem thực sự ấn tượng với các sản phẩm gốm đa dạng về chủng loại, phong phú về màu men cùng nhiều kích cỡ khác nhau.
Mỗi sản phẩm đều mang một vẻ đẹp riêng với sự tinh xảo, độc đáo. Các sản phẩm trưng bày không chỉ thể hiện tài năng, óc sáng tạo của những nghệ nhân gốm sứ truyền thống mà còn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của làng gốm Bát Tràng trong suốt tiến trình lịch sử, góp phần làm nên sự phong phú cho kho tàng gốm Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cũng cho biết, sự hiện diện của gốm Bát Tràng tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng góp phần khẳng định sự kết nối các giá trị văn hóa Thủ đô Hà Nội, giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa vật thể và phi vật thể, đem đến cho du khách một hình ảnh Hà Nội giàu bản sắc.
Các nghệ nhân gốm có sản phẩm trưng bày đều là những người có "bàn tay vàng", nhận được nhiều giải thưởng lớn như nghệ nhân Trần Độ, Vũ Cường, Lê Văn Khánh, Trần Văn Khánh, Hà Văn Long, Phạm Đạt, Đỗ Tùng Mậu, Phạm Thế Anh, Trần Nam Tước, Nguyễn Danh Tú. Mỗi nghệ nhân gắn với thế mạnh từng dòng men khác nhau.
Ông Hà Văn Lâm, đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng chia sẻ, gốm sứ Bát Tràng có lịch sử gắn kết với sự hình thành và phát triển 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Người dân Bát Tràng luôn trân trọng cái gốc của đạo nhân sinh, đó là vừa coi trọng bút nghiên để ươm mầm tài tuệ, lại biết dùng tài tuệ để chấn hưng nghiệp gốm thăng hoa, đời nối đời giữ lửa mãi biến “Thổ thành Kim” đất hóa nên vàng.
Trưng bày “Sắc gốm Bát Tràng trong lòng Hà Nội” diễn ra đến hết ngày 22/10.