Các Giải Cánh diều Bạc thuộc về các phim “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”; “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”.
Đạo diễn xuất sắc nhất phim truyện điện ảnh thuộc về đạo diễn Vũ Ngọc Phượng, phim “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”.
Nữ diễn viên Vũ Phương Anh trong phim “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy” và Nam diễn viên Hà Hiền trong phim “Sút” đạt Giải Cánh diều Vàng (diễn viên chính xuất sắc nhất phim truyện điện ảnh).
Ở Hạng mục Phim truyền hình, Giải Cánh diều vàng được trao cho phim “Zippo mù tạt và em”, đạo diễn nghệ sĩ ưu tú Trọng Trinh, Bùi Tiến Huy. Đạo diễn truyền hình xuất sắc nhất cũng thuộc về nghệ sĩ ưu tú Trọng Trinh, Bùi Tiến Huy.
Giải diễn viên Nữ chính xuất sắc nhất Hạng mục phim truyền hình được trao cho nghệ sĩ ưu tú Minh Trang phim “Chiều ngang qua phố cũ” và diễn viên Lã Thanh Huyền trong phim “Zippo mù tạt và em”.
Giải Nam diễn viên chính xuất sắc hạng mục phim truyện truyền hình được trao cho diễn viên Lê Hồng Đăng trong phim “Zippo mù tạt và em”.
Năm nay, Hạng mục phim ngắn và Hạng mục Công trình nghiên cứu lý luận, phê bình điện ảnh đã không có Giải Cánh diều vàng.
Ở Hạng mục phim tài liệu, giải Cánh diều vàng thuộc về phim “Hai đứa trẻ”, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.
Cánh diều vàng cho Hạng mục phim khoa học thuộc về phim “Một giải pháp chống sói lở biển”, đạo diễn Phùng Ngọc Tú.
Bộ phim “Cậu bé ma- no - canh", đạo diễ, nghệ sĩ ưu tú Phạm Hồng Sơn, đoạt giải Cánh diều vàng cho phim hoạt hình xuất sắc nhất và đạo diễn xuất sắc nhất.
Bên cạnh đó, giải Cánh diều vàng cũng được trao cho: Đạo diễn xuất sắc phim tài liệu, phim khoa học; nữ và nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyền hình; biên kịch và đạo diễn xuất sắc nhất cho phim truyện truyền hình; nữ diễn viên phụ xuất sắc hạng mục phim truyện điện ảnh; nhạc sỹ xuất sắc và đạo diễn âm thanh xuất sắc phim truyện điện ảnh; đạo diễn xuất sắc nhất; đạo diễn phim hoạt hình xuất sắc nhất.
Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết: Năm 2016 hoạt động điện ảnh còn nhiều khó khăn như thiếu vốn sản xuất, kinh phí đặt hàng của nhà nước dành cho các sáng tác điện ảnh. Song, các đơn vị hoạt động phim tư nhân đã phát huy nguồn lực, gửi về 145 tác phẩm tham dự giải, trong đó có 19 phim điện ảnh và 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Điều này đã chứng tỏ xu thế phát triển các phim theo hướng xã hóa, đã khơi gợi được sự sáng tạo của các nhà làm phim tư nhân.
Tuy nhiên, sự phát triển số lượng tác phẩm lại tỷ lệ nghịch với chiều sâu giá trị của tác phẩm, thiếu vắng tác phẩm mang giá trị nhân văn, thiếu những tác phẩm thật sự xuất sắc, phản ảnh trực diện con người Việt Nam trong đổi mới, hội nhập. Trong năm 2017 sắp tới, sẽ có các tác phẩm có mang dấu ấn sáng tạo, chiều sâu tư tưởng hơn, phong phú, sống động hơn để điện ảnh vươn lên tầm cao, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại, ông Đặng Xuân Hải hy vọng.
Trước đó, các phim dự giải Cánh diều 2016 được trình chiếu miễn phí phục vụ khán giả thành phố Hồ Chí Minh từ ngày (3-7/4) tại 5 địa điểm: Rạp Cinebox, Cinestar Quốc Thanh, CGV Thảo Điền, BHD, Trung tâm nghiên cứu và dự trữ điện ảnh.
Dịp này, Ban tổ chức cũng trao giải Cánh diều đặc biệt cho nghệ sĩ nhân dân Trần Phương; đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Khắc Lợi vì những đóng góp, cống hiến hết mình cho ngành điện ảnh nước nhà.