Những “thước phim tư liệu” về cuộc đời
“Sống đến bình minh” ra mắt độc giả chỉ cách ngày cố nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đi xa hơn 3 tuần và trong những ngày cuối tháng 4 - mốc thời gian gắn nhiều với cuộc đời của ông. Với cuốn sách này, thêm một lần giúp cho độc giả nhiều thế hệ hiểu thêm về cuộc đời, con người của ông, cũng như những câu chuyện của một thời đã xa.
Cuốn sách gồm 7 phần, được chia theo mốc thời gian cũng như nội dung ở các chương, tái hiện lại cuộc đời của nhà báo Trần Mai Hạnh. Độc giả có thể thấy rõ những mảng lớn quanh cuộc đời của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh là: Gia đình, năm tháng ở chiến trường ác liệt, sự nghiệp báo chí vinh quang và cay đắng, trở lại với ngòi bút và chạm tay tới nhiều thành công.
Với mỗi phần này, ngòi bút của Trần Mai Hạnh đã đưa người đọc cùng trở về với quá khứ với những lát cắt đắt giá, tác động đến suy nghĩ cũng như chặng đường dài sau này khi mới chỉ là cậu bé hơn 10 tuổi còn đầy mơ ước văn chương. Ước mơ đã khiến ông trở thành sinh viên khoa Văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngã rẽ của chiến tranh đã đưa ông sớm đến với báo chí và các chiến trường ác liệt. Từ đây, ông gặp một cơ may hiếm có trong đời, khi chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975, tại Dinh Độc Lập.
Bà Phạm Thị Thinh - Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật chia sẻ: "Cuốn tự truyện "Sống đến bình minh" chính là những lát cắt tư liệu của tác giả về những câu chuyện, những sự kiện, cảnh ngộ diễn ra trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông. Cuốn sách được viết bởi ngôn ngữ báo chí, kết hợp nhuần nhuyễn với phương pháp văn học, trên cơ sở chắt lọc từ những cập nhật, ghi chép thường ngày được lưu giữ trong suốt nửa thế kỷ qua về những gì đã xảy ra với tác giả, những gì tác giả được tận mắt chứng kiến đã làm nên diện mạo của cuốn tự truyện “Sống đến bình minh”.
Phát biểu tại buổi ra mắt cuốn tự truyện “Sống đến bình minh”, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV chia sẻ: “Với cuốn "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, chúng ta cần đọc chậm để chiêm nghiệm về một con người có một cuộc sống đầy dư vị, một số phận đầy thăng trầm bao gồm cả vinh quang và cay đắng, một sự nghiệp báo chí và văn chương bề thế, đồ sộ. Vượt lên trên tất cả, Trần Mai Hạnh gửi đến chúng ta thông điệp về quyết tâm phải sống, với niềm tin mãnh liệt vào tương lai, vào sự thật".
Vô cùng xúc động tại buổi lễ ra mắt sách của người cha vừa khuất núi, bà Trần Mai Anh, con gái đầu của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh nói: “Đây không phải là cuốn sách cuối cùng. Trong tập bản thảo, trong máy tính của bố tôi còn một cuốn sách nữa, đang ghi trên bìa là “Ngày ấy hôm nay”. Chúng ta vẫn sẽ còn gặp nhau, vẫn còn được nhìn thấy nhau ở những tác phẩm phía trước của bố Hạnh. Một ngày nào đó, gia đình sẽ xuất bản, sẽ hoàn thành những điều mà ông còn đang làm dang dở. Tôi xin trân trọng cảm ơn, biết ơn tất cả mọi người”.
Từ những tập nhật ký ghi chép thường ngày được lưu giữ trong suốt nửa thế kỷ qua về những gì đã xảy ra và chứng kiến, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã làm nên nội dung của cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” với những trang viết xúc động, chân thực, để lại nhiều suy ngẫm cho người đọc.
Viết với niềm tin về những điều tươi sáng
Lý giải về tên tựa sách, cố nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã viết: “Đối với cái chết trong chiến tranh và những nghịch cảnh cùng trò đùa của số phận đời thường, tôi luôn sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến. Tên sách “Sống đến bình minh” được đặt cho cuốn tự truyện cũng vì lẽ đó”.
Cuốn tự truyện được nhà báo Trần Mai Hạnh ấp ủ và viết đã khá lâu, nhưng mãi đến đầu năm 2024 mới hoàn thành. Nhiều biến cố trong gia đình, thậm chí có lúc ông tưởng chừng như không thể hoàn thành, cho đến khi những hình ảnh cuối cùng của con gái Trần Hiền Anh yêu quý, tài hoa trên giường bệnh về mong muốn cuốn sách được hoàn thành và có tên "Sống đến bình minh" khiến ông bừng tỉnh để viết tiếp những dòng cuối. Những dòng cuối ấy được ông viết trong lúc phải vượt qua mất mát tột cùng của một người cha, sự tận tụy chăm sóc người vợ phải ngồi xe lăn đã cùng ông trải qua tất cả thăng trầm trong cuộc đời và cả những bận rộn công việc nơi tòa soạn ông làm cố vấn.
Không chỉ là lát cắt của chiến tranh, độc giả có thể tìm thấy nhiều lát cắt khác trong tự truyện "Sống đến bình minh" như chuyện tình yêu với những đổ vỡ của mối tình đầu vì không môn đăng hộ đối, những lưu luyến xao động rất đỗi trong sáng nhưng mong manh của người lính trên mặt trận. Chuyện về thời bao cấp với những chật vật khó khăn về chỗ ở, cái ăn, cái mặc, phải làm thêm để sống. Độc giả có thể khóc, cười, tiếc nuối về cuộc sống của những năm tháng ấy. Là những năm đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó có đổi mới báo chí đã mang đến đời sống thông tin cho công chúng ra sao. Là thông tin về một cơn bão nhưng không nói đầy đủ, nhiều chiều có khi lại dẫn đến ảnh hưởng cuộc sống người dân ra sao. Hay khi hội nhập, nhu cầu thưởng thức thể thao của công chúng rất cao là lý do ra đời các ấn phẩm về bóng đá...
Những chuyện đã qua, những tình huống đã diễn ra và gắn với cá nhân của nhà báo Trần Mai Hạnh được thể hiện trong cuốn tự truyện không chỉ là của riêng tác giả, mà còn là chuyện của một thời. Là những "tàn dư" hay "hoàn cảnh lịch sử" mà nhiều người đã nếm trải ở thời đó với bao hỉ nộ ái ố. Đó đều là những thử thách đến khắc nghiệt, tàn khốc của cuộc đời mang đến dường như để thử thách con người xử trí, tồn tại và ứng xử ra sao.
"Sống đến bình minh" như những thước phim tư liệu với rất nhiều thông tin của một cuộc đời con người, của một thời. Khép lại những trang cuối cuốn sách, người đọc có thể thấy được chân dung của tác giả phải trải qua rất nhiều thử thách trong cuộc đời. Nhưng trên hết, dù khó khăn, dù bi kịch thế nào thì nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vẫn luôn vững tin vào bản thân, vào lương tri và những điều tốt đẹp ở phía trước giống như tên cuốn tự truyện "Sống đến bình minh".
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã ra đi đột ngột trước khi chưa kịp nhìn đứa con tinh thần của mình ra mắt độc giả. Với những gì đã làm được trong suốt cuộc đời làm báo, viết văn của mình, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã rất trọn vẹn với nghề, thật sự là người cần mẫn lao động trên “cánh đồng chữ nghĩa”.
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội).
Tháng 9/1965, ông tốt nghiệp và trở thành phóng viên chiến trường trong Đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã. Trong quãng thời gian từ 1965 - 1975, ông có mặt trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc.
Ông là Đặc phái viên TTXVN tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.
Ông từng nhận Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; Huy chương của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); Huy chương Phêlích Enmuxa của Hội Nhà báo Cuba.
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khoá VI, VII); nguyên Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, nguyên Uỷ viên Ban Lãnh đạo Liên đoàn báo chí các nước ASEAN, đại biểu Quốc hội khoá X…
Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã qua đời vào chiều ngày 2/4/2024 (tức ngày 24 tháng 2 năm Giáp Thìn).