Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa. Lễ kỷ niệm được tổ chức đúng nghi lễ truyền thống nhằm tái hiện một phần nghi lễ tế Đàn Nam Giao của vương triều Hồ trong lịch sử.
Tại Viên đàn, Phương đàn và 2 bên trục Thần đạo của Đàn tế Nam Giao được trang hoàng trang nghiêm với cờ hoa cùng các đồ lễ phục vụ lễ tế truyền thống.
Lễ tế Đàn Nam Giao gồm 2 phần: Lễ nghênh giá và Lễ tế, trong đó Lễ tế được phục dựng bài bản tại Đàn Nam Giao Thành Nhà Hồ với 3 nghi thức đó là: Lễ Nghênh thần, Lễ tế thần và Lễ tống thần. Chúc văn kỷ niệm 617 năm vương triều Hồ khai đàn tế Nam Giao cũng được đọc trong phần lễ.
Nghi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và linh thiêng, thu hút nhiều con cháu họ Hồ khắp các địa phương trong cả nước, du khách thập phương, người dân địa phương tham gia. Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật dân gian truyền thống với các tiết mục đánh trống hội, hát chầu văn…
Trong lịch sử, Lễ tế Đàn Nam Giao được coi là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ. Đây là lễ tế trời đất nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng, chỉ nhà vua mới có quyền thực hiện.
Dưới triều đại vua Hồ Quý Ly, đàn tế Nam Giao là nơi hàng năm Vua tiến hành lễ cúng tế cầu quốc thái dân an, hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ. Sau hơn 600 năm với những thăng trầm lịch sử, hiện đàn tế Nam giao Thành Nhà Hồ là một trong 3 đàn tế còn giữ được mặt bằng tương đối nguyên vẹn, cổ nhất trong lịch sử Đàn tế Nam Giao của Việt Nam.
Đàn tế Nam Giao Thành Nhà Hồ được Vương triều Hồ xây dựng xong vào tháng 8 năm 1402, nay thuộc địa giới hành chính xã Vĩnh Thành (huyện Vĩnh Lộc), cách Thành Nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía Đông Nam. Đàn Nam Giao có diện tích hơn 2 ha, lưng tựa Đốn Sơn (núi Đún), tiền án là cánh đồng Nam Giao, cấu trúc gồm nhiều cấp nền bao thu hẹp dần từ thấp đến cao.
Dẫn vào trung tâm của đàn tế là con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn. Trong lòng nền cao nhất có dấu tích đàn tế hình tròn (Viên đàn), đường kính 4,75m. Tại đây còn lưu giữ khá nhiều dấu tích kiến trúc của các cấp nền bao: Nền Thượng, nền Trung, nền Hạ. Vật liệu kiến trúc chính để xây dựng đàn là đá xanh và nhóm vật liệu bằng đất nung (gạch, ngói…); dấu tích con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn mà trước kia vua đi trên con đường này để vào khu vực tế chính.
Được biết, Lễ tế Đàn Nam Giao đầu tiên của Vương triều Hồ được tổ chức năm 1402, với mục đích tế trời ở vùng phía nam kinh thành, cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an.
Việc khôi phục, tái hiện lại nghi lễ tế Đàn Nam Giao nằm trong công tác bảo tồn các giá trị di sản, tôn vinh di sản văn hóa Thành nhà Hồ, khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần đoàn kết, góp phần xây dựng quê hương đất nước...
Dịp này, Hội di sản văn hóa và cổ vật Thanh Hoa, Ban liên lạc họ Hồ Thanh Hóa tổ chức lễ kỷ niệm 597 năm ngày mất Hoàng đế Hồ Quý Ly. Tại lễ kỷ niệm, các tổ chức cùng dòng họ Hồ trong cả nước đã ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng, những đóng góp lớn của Hồ Quý Ly hơn 600 năm về trước.
Hồ Quý Ly - vị vua khởi thủy vương triều Hồ đã làm rạng danh nước Đại Việt bằng việc tiến hành hàng loạt cải cách và có những cải cách đến nay còn nguyên giá trị. Vương triều Hồ đã xây dựng đế kinh trên đất Tây Giai với tòa hoàng thành bằng đá độc nhất vô nhị khiến cả thế giới phải công nhận đó là di sản đặc biệt của nhân loại - Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.