Trong khoảng 15 năm trở lại đây, văn học dành cho thiếu nhi dường như không được quan tâm. Tác phẩm văn học trong nước dành cho thiếu nhi ngày càng ít đi, nhà văn sáng tác cho thiếu nhi không nhiều. Nếu kéo dài tình trạng này, văn học thiếu nhi sẽ lụi tàn, trẻ em không còn được tiếp cận những tác phẩm văn học hay phù hợp với văn hóa Việt Nam để thưởng thức và phát triển tâm hồn, trí tuệ.
Khan hiếm sách văn học thiếu nhi
Thực tế, sách dành cho thiếu nhi không thiếu, mà ngược lại mảng sách dành cho lứa tuổi này rất đa dạng và phong phú về thể loại, nhưng đa phần lại là sách ngoại văn. Dạo qua các nhà sách tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dễ dàng nhận thấy sách và truyện dịch nước ngoài tràn ngập các kệ sách. Đó là điều tất yếu vì theo thống kê của một số nhà xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, sách văn học thiếu nhi trong nước xuất bản mỗi năm chỉ trên dưới 20% số lượng sách văn học thiếu nhi nói chung.
Ông Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, nhận định: Sở dĩ sách và truyện dịch ở Việt Nam nhiều, vì các tác giả, nhà xuất bản và xã hội chưa quan tâm đến văn học thiếu nhi. Tác giả viết cho thiếu nhi ngày càng ít đi, trong Hội Nhà văn thành phố chỉ có khoảng 10 tác giả còn viết sách cho thiếu nhi. So với việc đầu tư sáng tác cho thiếu nhi, dịch sách dễ hơn, nhiều tác giả văn học không còn mặn mà với công việc sáng tác.
Bên cạnh đó, một phần là do nền giáo dục của chúng ta dường như không quan tâm đến việc đọc sách cho thiếu nhi, chương trình học chủ yếu buộc các em phải học trong sách giáo khoa mà chưa khuyến khích, hướng dẫn các em tìm đọc các tác phẩm văn học khác liên quan đến bài học để mở rộng kiến thức. Sức mua kém, các nhà xuất bản cũng không mặn mà lắm với việc xuất bản sách văn học thiếu nhi trong nước. Những nguyên nhân này đã làm cho văn học thiếu nhi đang khan hiếm thật sự.
“Đối với Nhà xuất bản Trẻ, hiện nay các đầu sách thiếu nhi trong nước vẫn được ưu tiên nhưng lâu lâu mới có một vài nhà văn gửi bản thảo tới và để chăm sóc việc đọc cho các em, chúng tôi phải thay vào bằng các bản dịch” - ông Sáu chia sẻ thêm.
Công bằng mà nói, sự xuất hiện của sách và truyện tranh nước ngoài làm cho thị trường sách phong phú hơn, trẻ em tiếp cận được nhiều câu chuyện hay trên thế giới. Theo nhà văn Kao Sơn (Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh - tác giả có các tác phẩm viết cho thiếu nhi đạt giải thưởng cao trong nước, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh), trẻ em nước ta sẽ được hưởng thụ những cuốn sách đẹp về hình thức, đa dạng về nội dung từ các tác phẩm nước ngoài. Tuy vậy, một vấn đề cấp thiết đặt ra là phải thẩm định nội dung, lựa chọn các tác phẩm nước ngoài có chất lượng và phù hợp với văn hóa Việt Nam. Hơn nữa, việc sách và truyện nước ngoài chiếm lĩnh thị trường sách dành cho thiếu nhi thế này lâu dần trẻ em nước ta sẽ chỉ nhớ đến những câu chuyện, những nhân vật, địa danh của nước ngoài.
Khơi dậy niềm đam mê sáng tác văn học cho thiếu nhi
Theo các chuyên gia, sở dĩ tác giả viết cho văn học thiếu nhi ngày càng ít đi vì nhiều nhà văn vẫn chưa coi trọng việc viết cho trẻ em, xem đó là những sáng tác nhỏ lẻ không xứng tầm, không giúp nhà văn xây dựng được tên tuổi. Bên cạnh đó, một số nhà văn từng thành công với các tác phẩm dành cho thiếu nhi nhưng vì không thể sống bằng nghề nên đã chuyển hướng sang công việc khác. Nguyên nhân đó là do Nhà nước chưa thật sự quan tâm đến văn học thiếu nhi, chưa có những chính sách khuyến khích hỗ trợ các nhà văn sáng tác cho thiếu nhi.
Các nhà văn viết cho thiếu nhi hầu như bị “thả nổi”. Không có một chính sách cụ thể nào để huy động, động viên người viết. Nhiều nhà xuất bản có tâm huyết với thiếu nhi đã tự mình tổ chức các cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi để thu hút các nhà văn, nhưng những cố gắng đó không kéo dài được bao lâu. Chẳng hạn, Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã ba lần tổ chức cuộc thi “Thiếu nhi vì tương lai đất nước” quy tụ được nhiều nhà văn ở mọi lứa tuổi tham gia. Nhưng do hạn chế về tài chính, nên từ năm 2003 đến nay chưa tổ chức thêm lần nào.
Nhà văn Kao Sơn chia sẻ: Các nhà văn cần được khuyến khích bằng các trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi, giúp nhà văn định hướng đề tài viết cho thiếu nhi. Các nhà văn trong cả nước có cơ hội cùng nhau gặp gỡ, trao đổi cách viết. Nếu tổ chức được trại sáng tác hằng năm, chắc chắn sẽ có nhiều nhà văn tham gia, qua đó vừa tăng được số tác giả viết cho thiếu nhi, các nhà xuất bản có thêm nhiều bản thảo để xuất bản. Ngoài ra, để nhà văn sáng tác văn học thiếu nhi sống được với nghề, nhuận bút cũng cần được nâng lên. Hiện tại, nhuận bút nhà văn chỉ được tính 10% trên tổng số sách phát hành. Con số này chưa xứng với công sức bỏ ra.
Theo ông Phạm Sỹ Sáu, bên cạnh những nỗ lực chủ quan của các nhà văn, Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư, tạo động lực cho các nhà văn đam mê sáng tác văn học cho thiếu nhi bằng các giải thưởng văn học. Khoảng 15 năm trở lại đây không có các giải thưởng dành riêng cho văn học thiếu nhi. Điều này cũng là một trong những yếu tố dẫn đến sự hạn chế sáng tác cho thiếu nhi, nếu có những giải thưởng chắc chắn sẽ có những "cú hích" khuyến khích các tác giả viết cho thiếu nhi.