Thời tiết tại thành phố Nam Định ngày mùng 2 Tết thuận lợi, trời mát mẻ, có nắng nhẹ rất lý tưởng để mọi người đi lễ đầu năm, cầu bình an, hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Càng về trưa, lượng du khách đổ về đền Trần càng đông hơn, ai cũng mang trong mình tâm trạng vui vẻ, phấn khởi, hoan hỉ ngày xuân.
Ông Vũ Thế Vinh, du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, là một người con quê hương Nam Định, năm nào về quê ăn Tết ông và gia đình cũng đi đền Trần để du Xuân đầu năm, cầu mong một năm mới bình an, may mắn cho cả gia đình. Lượng du khách đến với đền Trần năm nay đông hơn mọi năm, mọi người ai cũng hoan hỉ, tươi cười khi khi đến nơi linh thiêng này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, du khách đến từ tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, sáu năm rồi bà mới có dịp trở lại Nam Định để cùng với gia đình đến đền Trần để du Xuân đầu năm. Năm nay, bà Hằng cho cả các cháu nội, ngoại lên đền Trần vừa để du Xuân và cũng là để các cháu tìm hiểu lịch sử, cội nguồn của dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của Vương Triều Trần đã có công dựng nước, giữ nước với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh đánh thắng quân Nguyên - Mông.
Năm nay, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần-Chùa Tháp đã chuyển 2 bãi trông giữ xe phía trước khuôn viên đền ra chỗ khác để nhường chỗ cho các hoạt động trong Lễ hội Khai ấn, đồng thời cho trang trí các tiểu cảnh ở hai bên để du khách có thể chụp ảnh lưu niệm khi đến với đền Trần.
Theo bà Đinh Thị Nhài, người dân thành phố Nam Định, việc Ban tổ chức chuyển bãi giữ xe ra khỏi khu khuôn viên đền, xây dựng hàng rào từ xa cấm các phương tiện đi vào bên trong đền đã tránh được cảnh tắc nghẽn giao thông quanh đền như mọi năm. Các dịch vụ như gửi xe, hàng quán… quanh Khu di tích đã được quản lý chặt chẽ, không xảy ra tình trạng chặt chém, chèo kéo khách hay hình ảnh ăn xin, ăn mày phản cảm.
Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần-Chùa Tháp cho biết, với việc Quảng trường Đông A được hoàn thành, năm nay Ban tổ chức lễ hội khai ấn sẽ tổ chức thêm nhiều các hoạt động tại đây như: tổ chức trưng bày các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh, tổ chức trưng bày sinh vật cảnh, trình diễn chơi cờ bỏi, tổ tôm điếm, lân sư rồng, biểu diễn võ thuật, diều sáo, hát văn, hát xẩm, múa rối nước…
Để bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra lễ hội, Công an thành phố Nam Định đã xây dựng phương án, huy động các lực lượng bố trí các vòng an ninh trong và xung quanh khu vực đền Trần, đồng thời tổ chức phân làn giao thông, phòng, chống cháy nổ để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến với đền Trần.
Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 20 - 25/2 (từ ngày 11 - 16 tháng Giêng âm lịch). Trong đó, ngày 11 tháng Giêng (20/2) sẽ tổ chức lễ rước Kiệu Ngọc Lộ; ngày 12 tháng Giêng (21/2) tổ chức lễ rước Nước, tế Cá; từ 23 giờ 15 phút ngày 14 tháng Giêng (23/2) thực hiện nghi lễ Khai ấn; từ 5 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng (24/2) tổ chức phát ấn cho người dân tại 3 địa điểm gồm Nhà Giải vũ, Nhà Trưng bày, Đền Trùng Hoa.
Đền Trần là một quần thể đền thờ tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, đây là nơi thờ các vua Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Hằng năm cứ vào dịp đầu năm, lễ hội khai ấn và lễ hội đền Trần thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái thể hiện lòng tưởng nhớ và biết ơn đến các vị vua Trần.