Cuộc đua mới đến từ Nhật Bản
Thị trường rạp phim Việt Nam hiện nay phần lớn đều do “ông lớn” đến từ Hàn Quốc “thâu tóm”, chiếm tới 71% thị phần. Các rạp phim tên tuổi mỗi khi được nhắc đến chủ yếu là CGV, Lotte… Trong đó, CGV hiện nắm giữ 45% thị phần, còn Lotte Cinema chiếm 26%.
Ngoài ra, còn có sự góp mặt của nhiều thương hiệu khác như Galaxy Cinema, BHD Star, Cineplex, Cinestar và Beta Cinemas. Trong đó, Galaxy chiếm 10% thị phần, BHD chiếm 5,5% và Beta Cinemas chiếm 8%. Hệ thống rạp chiếu của nhà nước chỉ chiếm khoảng 2% thị phần.
Đầu tháng 8 mới đây, một tân binh mới đến từ Nhật Bản - AEON Entertainment đã tham dự vào thị trường rạp phim Việt Nam. Theo đó, AEON Entertainment cùng với Beta Media công bố thành lập liên doanh, dự kiến đầu tư 5.000 tỷ đồng cho 50 cụm rạp đến năm 2035. Liên doanh này sẽ đẩy mạnh phát triển và vận hành 50 cụm rạp chiếu phim cao cấp mang thương hiệu AEON Beta Cinema. Dự kiến, rạp đầu tiên khai trương vào năm 2025.
AEON Entertainment là công ty con thuộc Tập đoàn AEON Nhật Bản, hiện là chuỗi rạp lớn nhất đất nước mặt trời mọc, sở hữu 96 rạp chiếu phim.
Từ trước đến nay, Beta Cinema được định vị là chuỗi rạp phim giá thấp. Thế nhưng, cuộc bắt tay với "đại gia" Nhật Bản đã đưa thương hiệu này tiến vào phân khúc cao cấp, hiện đang được chiếm giữ bởi CGV và Lotte.
Trên thực tế, cuộc đua của các rạp phim không chỉ mới bắt đầu từ năm 2024 mà là sau đại dịch COVID-19, nói đúng hơn từ năm 2023 trở lại đây.
Cụ thể, cuối năm 2023, Galaxy Studio, một trong những đơn vị phát hành, sản xuất phim và vận hành chuỗi rạp chiếu phim thương hiệu Việt đã khai trương rạp chiếu phim cao cấp - Galaxy Sala tại thành phố Thủ Đức. Với mô hình “All in 1”, Galaxy Sala đã thực sự ghi dấu ấn mạnh mẽ khi tung ra các "concept” phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng, từ tầng trung đến cao cấp. Đáng chú ý, rạp phim này còn sở hữu màn hình IMAX Laser hiện đại đầu tiên tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Tổng Giám đốc Galaxy Studio cho biết, việc cho ra mắt một mô hình rạp cao cấp ngay trong thời điểm nền kinh tế được dự đoán vẫn còn nhiều khó khăn, đa số mọi người vẫn đang thắt chặt chi tiêu là một quyết định táo bạo nhưng đúng xu hướng. Bởi sau đại dịch COVID-19, hành vi của khán giả có nhiều thay đổi rất tinh tế, mọi người muốn xem phim ở những định dạng chuyên nghiệp hơn và sẵn sàng trả một mức cao hơn. Tuy nhiên, khi đã sẵn sàng chi trả cao hơn, họ cần có những trải nghiệm khác biệt và riêng tư phù hợp với mức giá đã bỏ ra.
Làm mới lại chính mình
Rạp phim CGV mặc dù đứng đầu thị phần nhưng năm 2023, doanh thu phòng vé của hệ thống rạp này chưa đạt như kỳ vọng mong muốn. Theo kết quả kinh doanh công bố mới đây của CJ CGV, chuỗi rạp phim CGV Việt Nam ghi nhận doanh thu quý IV/2023 đạt 36,2 tỷ won (khoảng 27,1 triệu USD), giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Kết thúc quý IV/2023, CGV Việt Nam lỗ hoạt động 1,3 tỷ won (khoảng 1 triệu USD). Đây cũng là quý suy giảm doanh thu thứ 3 liên tiếp của hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất tại Việt Nam, sau khi đạt 59,1 tỷ won vào quý I/2023. Lũy kế cả năm 2023, doanh thu của CGV Việt Nam đạt 184,9 tỷ won (khoảng 139 triệu USD), so với năm 2022 tăng mạnh 23%.
Theo lý giải từ CJ CGV, việc doanh thu tại thị trường Việt Nam suy giảm đến từ sự chậm trễ trong kế hoạch phát hành các nội dung phim. Điều này cho thấy, doanh thu của rạp phần lớn đến từ các bộ phim điện ảnh. Tuy nhiên, nếu chỉ phụ thuộc vào phim, hệ thống rạp CGV khó có thể trụ lại hạng nhất thị phần bền vững.
Chính vì vậy, CJ CGV đã ra mắt thương hiệu ICECON Việt Nam - bộ phận sản xuất, phát hành mới, cung cấp nội dung chiếu rạp đa dạng thể loại, không còn gói gọn vào phim điện ảnh.
Ông Ko Jae Soo, Tổng giám đốc CJ CGV Việt Nam cho biết, đây là một bước đi mới mẻ, mang lại cho khán giả một nền tảng giải trí tại rạp hoàn toàn mới với những trải nghiệm toàn diện và độc đáo. Theo đó, rạp chiếu phim không chỉ đơn thuần là chiếu phim mà có thể biến thành sân khấu ca nhạc.
Năm 2022 - 2023, cụm rạp CGV đã “âm thầm” thử nghiệm qua các buổi chiếu phim concert của nhóm Blackpink, ca sĩ Taylor Swift, nhóm BTS… tại rạp, đem lại không khí sôi động và sự thành công ngoài mong đợi. Không chỉ thế, cụm rạp này còn “âm thầm” thử nghiệp các buổi biểu diễn hài kịch, nhạc kịch, hoặc các buổi chếu trực tiếp từ các chương trình lớn như giải đấu thể thao, game điện tử e-sports, giúp các tín đồ thể thao hoặc game có thể đến rạp hòa mình vào không khí sôi động của các trận đấu như xem trực tiếp.
Rạp phim cũng sẽ là nơi tổ chức chiếu ra mắt những bộ phim đình đám phát trên nền tảng OTT, YouTube hoặc sẽ chiếu trực tuyến 1 - 2 tập trong series phim cùng buổi giao lưu sau đó với đoàn phim. Xa hơn nữa, ICECON Việt Nam hướng khán giả đến những trải nghiệm tri thức. Ví dụ khám phá mùi hương, nghệ thuật thông qua những buổi triển lãm, tìm hiểu những kiến thức đa dạng với những buổi workshop hay giáo dục trẻ em qua chương trình hướng nghiệp…
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CJ CGV chia sẻ: “Trước mắt, việc sản xuất phim concert chiếu rạp đang phụ thuộc vào đội ngũ của Hàn Quốc. Nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ tư vấn, hỗ trợ, phối hợp sản xuất nội dung Việt vì đang thiếu phim concert Việt. ICECON Việt Nam sẽ liên kết với các công ty giải trí, các nghệ sĩ để chủ động quay các buổi concert ở định dạng chiếu rạp chứ không chờ vào bản phim concert của phía nghệ sĩ nữa”.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu, nhưng số người ra rạp hiện nay chỉ từ 6 - 8 triệu người, tức chưa đến 10% nên kinh doanh rạp phim vẫn còn cơ hội lớn. Nhưng làm thế nào để lôi kéo được 90% số còn lại ra rạp là chuyện khó. Nhiều nhà kinh doanh rạp tham gia, mỗi đơn vị một cách làm hấp dẫn thì sẽ giúp thị trường lớn thêm, xây dựng thói quen ra rạp của khán giả”.