Thơ hiện nay với hôm nay

Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam năm 2023, ngày 5/2, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” với sự tham dự của đông đảo các nhà thơ, những người nghiên cứu và những độc giả, những người yêu thơ.

Chú thích ảnh
Tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay". Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Phát biểu tại tọa đàm, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Tọa đàm là hoạt động mang tính chuyên nghiệp, chuyên môn chuyên sâu của Ngày Thơ Việt Nam. Với chủ đề “Thơ hiện nay với hôm nay”, Ban tổ chức mong muốn các nhà thơ, những người yêu thơ và những người nghiên cứu thơ cùng bàn luận về hình dáng, diện mạo, sức vóc của của thơ ngày hôm nay ra sao và thơ ngày hôm nay ở đâu, nó có giá trị gì đối với con người đang sống trong một thời đại hết sức phong phú nhưng cũng hết sức phức tạp như bây giờ.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, xã hội chuyển biến, tâm hồn con người chuyển biến và thơ ca cũng chuyển biến theo. Thời đại sang trang thì thơ ca cũng sang trang, vậy thơ ca bây giờ đang ở đâu phát triển ra sao, hình dáng, diện mạo sức vóc của nó như thế nào, thơ hôm nay khác hôm qua và hôm kia cái gì? Thơ đang mở rộng địa giới của mình hay đang bị thu hẹp lại, thơ đang đại chúng, đang quần chúng hóa, đang câu lạc bộ hóa hay đang khu biệt hóa, đang thần bí hóa, hay cả hai xu hướng đều đang phát triển và điều ấy thì tốt hay không tốt…

Theo nhà thơ Trần Anh Thái, thơ ca nhiều năm gần đây đã có một đời sống mới, một diện mạo mới, đa diện, đa thanh, phong phú, sinh động với vô vàn các quan niệm về nghệ thuật, các khuynh hướng thơ ca, các phong cách sáng tác… Nói một cách chính xác, thơ hiện nay mang hơi thở mới, mỹ cảm mới, chức năng mới với muôn hình vạn trạng, cách thể hiện cũ, mới, quen, lạ vừa giống vừa không giống ai. Các nhà thơ vừa đi sâu vào khám phá bản thân, vừa không rời bỏ ý thức trách nhiệm xã hội. Các nhà thơ vẫn luôn nghĩ đến những vấn đề nhức nhối, thậm chí những vẫn đề lớn lao của đất nước, về sự mất còn của dân tộc, về thân phận con người hiện diện trong đời sống hôm nay…

Tuy nhiên, nhà thơ Trần Anh Thái cũng bày tỏ sự băn khoăn bởi đội ngũ người làm thơ rất đông, thơ có mặt ở mọi nơi với hàng trăm hàng ngàn câu lạc bộ thơ ra đời, mỗi câu lạc bộ hoạt động một kiểu tùy thích… thơ ca in ra rất nhiều song có phần hỗn loạn, các giá trị thật giả, đúng sai bị đánh tráo, thơ chất lượng thấp tràn lan, giải thưởng, danh hiệu tràn lan, cái đích thực bị khuất lấp…

Chú thích ảnh
Ngày 5/2/2023 (tức ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mão), tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) diễn ra nhiều hoạt động trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2023 với chủ đề "Nhịp điệu mới". Trong ảnh: Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Nhà Ký ức. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định, những năm qua, thơ Việt Nam đã có những bước chuyển, những đổi mới. Và chủ đề tọa đàm “Thơ hiện nay và hôm nay” là một chủ đề hay, bàn về việc thơ hôm nay sẽ đi về đâu, hướng về ai, những độc giả nào và ảnh hưởng của thơ đối với công chúng ra sao…

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, chủ đề thơ hiện nay và hôm nay góp phần đánh thức tính công dân của người làm thơ đối với đất nước với dân tộc, đó là thơ hướng đến suy nghĩ của con người hiện đại với vận mệnh Tổ quốc, với đời sống hôm nay.

Các ý kiến tại tọa đàm cũng đã nêu nhiều vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay, trong đó, nhiều ý kiến tập trung đánh giá, nhận định về thơ hiện nay đang như thế nào, một số ý kiến khác tập trung bàn về việc thơ hiện nay nên như thế nào để góp phần quan trọng vào sự tồn tại, hình thành và phát triển của dân tộc ta hôm nay và mai sau.

Phương Lan (TTXVN)
Đa dạng các hoạt động của Ngày Thơ Việt Nam
Đa dạng các hoạt động của Ngày Thơ Việt Nam

Ngày 5/2, tức ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mão, tại thành phố Ninh Bình, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề "Nhịp điệu mới", thu hút sự tham gia của nhiều nhà thơ, nhạc sỹ, nghệ sỹ tiêu biểu và đông đảo người yêu thơ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN