Đây là hoạt động thường niên lần thứ 9 của DBKL nhằm tôn vinh sự đa dạng văn hóa, đồng thời thể hiện sự độc đáo của di sản nghệ thuật từ mỗi bang, đặc biệt là nhịp điệu trống.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tham gia sự kiện có khoảng 20 nhóm nghệ thuật trong nước và 4 nhóm nghệ thuật nước ngoài đến từ Indonesia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam. Đoàn sân khấu Lệ Ngọc (Hà Nội) đã gây ấn tượng với bạn bè quốc tế với tiết mục “Trống cơm”.
Mở màn Lễ hội khiêu vũ và Nhịp điệu trống Kuala Lumpur, khoảng 200 diễn viên tham dự chương trình đã cùng nhau biểu diễn một tiết mục chung trong nhịp điệu sôi động của các loại trống. Hàng chục tà áo dài Việt Nam cùng những chiếc nón lá in hình cờ đỏ sao vàng đã góp phần làm cho sắc màu của Lễ hội thêm phong phú và đa dạng.
Tiếp theo là các màn trình diễn đặc biệt của các nghệ sĩ nổi tiếng Malaysia như Aina Abdul, Noraniza Idris, Osman Yamani, các nhóm nghệ sĩ múa đến từ các bang Johor, Kuantan, Selangor… Mỗi một tiết mục đều có những giai điệu, trang phục đặc trưng của các bang và đều ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, chung tay bảo vệ hòa bình và xây dựng một thế giới xanh.
Hòa chung với giai điệu trống sôi động, đặc trưng của Malaysia, Indonesia là một trong 4 quốc gia nước ngoài tham dự nhiều nhất với 3 tiết mục; Thái Lan, Singapore và Việt Nam mỗi nước tham gia một tiết mục. Mở đầu với màn múa “Xin chào Việt Nam”, những diễn viên trẻ của Đoàn sân khấu Lệ Ngọc đã gây ấn tượng với khán giả bằng tà áo dài in hình hoa Sen và những chiếc nón in hình cờ đỏ sao vàng. Trong phần hai của tiết mục, liên khúc múa hát với tiết mục trống cơm rộn ràng và âm vang, kết hợp với những vũ điệu truyền thống song không kém phần hiện đại được luyện tập công phu, đã làm sân khấu trở nên sống động trong tiếng hò reo, cổ vũ của đông đảo cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Kuala Lumpur.
Lễ hội khiêu vũ và Nhịp điệu trống Kuala Lumpur là điểm nhấn sống động của Lễ kỷ niệm Ngày Lãnh thổ Malaysia năm nay do DBKL phối hợp cùng Sở Văn hóa, Nghệ thuật, Du lịch và Thể thao tổ chức từ ngày 14 - 16/9. Theo ban tổ chức, lễ hội thu hút khoảng 3.000 người tham dự. Ngoài ra, ban tổ chức cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi trò chơi truyền thống ở các bang như kéo co, nhảy sào dài, bắn cung …
Sân khấu Lệ Ngọc được thành lập năm 2013 với tên gọi ban đầu là Câu lạc bộ sân khấu Lệ Ngọc, trực thuộc Nhà hát kịch Việt Nam. Đến năm 2016, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc nghỉ hưu, CLB sân khấu Lệ Ngọc được tách ra thành một sân khấu riêng, trở thành sân khấu kịch xã hội hóa đầu tiên tại miền Bắc dưới sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Hiệp Hội văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Vài năm trở lại đây, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, sân khấu Lệ Ngọc được xem như “hiện tượng” đối với sản phẩm văn hóa truyền thống, bởi mỗi khi có vở diễn mới, khán giá luôn chật kín khán phòng, thậm chí còn cháy vé.
Sân khấu Lệ Ngọc đã trở thành điểm sáng cho hy vọng khôi phục một sản phẩm văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc Việt. Chia sẻ về quan niệm làm sân khấu, NSND Lệ Ngọc cho biết với nghệ sĩ, sân khấu phải mang đến cho khán giả những điều khán giả cần và nghệ sĩ phải lấy khán giả là trung tâm.