Với nhiều giá trị văn hóa và ý nghĩa to lớn, năm 2016, hội làng Diềm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Mỗi năm làng Diềm có 4 lễ hội vào tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba và tháng Tám. Ở bất cứ lễ hội nào của làng cũng có các hoạt động hát Quan họ theo lề lối truyền thống nhưng chỉ có hội đền Vua Bà mới tổ chức đón du khách thập phương đến du xuân trẩy hội. Lễ hội được tổ chức với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ ngày Vua Bà giáng xuống làng Viêm Xá.
Diễn cảnh Vua bà ban cầu tại lễ hội. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN |
Theo ông Lê Thanh Khiêm, Nhà nghiên cứu về Quan họ Bắc Ninh, những làn điệu dân ca Quan họ ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 gắn liền với sự tích Vua Bà. Tương truyền, Đức Vua Bà Thủy tổ là con gái của vua Hùng Vương đời thứ 6, tên gọi là Nhữ Nương có nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần. Khi công chúa tới tuần cập kê, nhà vua tổ chức mở hội cướp cầu kén phò mã.
Do không ưng thuận người đoạt giải, công chúa Nhữ Nương xin vua cha được ra khỏi kinh thành, chu du thiên hạ. Nàng Nhữ Nương cùng 7 cung nữ vừa ra khỏi kinh thành chưa lâu bỗng gặp cơn phong vũ cuốn lên trời, sau đó được giáng xuống ấp Viêm Trang (nay là làng Diềm).
Lúc này, ấp Viêm Trang chỉ là một rừng cây nước với dân cư thưa thớt. Công chúa Nhữ Nương bèn cho khai khẩn đất hoang, lập làng lập xóm, dạy dân làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trồng mía… tạo cuộc sống ấm no, trù phú cho người dân.
Không chỉ vậy, bà còn sáng tác những câu hát rồi dạy cho người dân cách hát theo lề lối riêng. Ban đầu chỉ là bên nam hát đối với bên nữ, sau đó bà triệu tập các nam thanh nữ tú trong làng cho luyện tập thuần thục và nhuần nhuyễn hơn.
“Lối hát ấy sau này được gọi tắt là Quan họ, có nghĩa mối quan hệ của người hát cùng nhau thân thiết như những người họ hàng. Khi bà mất, người dân đã lập đền thờ suy tôn là làm Thủy tổ Quan họ. Các triều đại phong kiến phong cho bà là Nam Hải Đại Vương. Đặc biệt, trong 49 làng Quan họ gốc, chỉ làng Diềm mới có đền thờ Thủy tổ Quan họ nên chỉ có làng Diềm mới được gọi là làng quan họ cổ. Với những công trạng gây dựng được, bà Nhữ Nương không chỉ là Thủy tổ Quan họ mà còn là Thủy tổ của làng Diềm”, ông Lê Thanh Khiêm cho biết.
Các cụ thượng thọ trong làng Diềm xuống giếng Ngọc lấy nước về đền làm lễ tắm Vua Bà. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN |
Về hình tượng Vua Bà, người dân Làng Diềm còn lưu truyền cho con cháu nhiều sự tích khác nhau như, Nhữ Nương, là cô gái làng Diềm có giọng hát hay, biết nhiều bài hát đối đáp độc đáo.
Hàng ngày, Nhữ Nương hái dâu ở bãi ven sông Cầu, thường ngân nga những câu hát ngọt ngào, trong trẻo. Trong lần đi tuần thú, vua Thủy tề say đắm sắc đẹp và giọng hát thiên phú của bà, tìm cách đưa bà về cung, lấy làm vợ.
Ở một tích khác truyền rằng, Vua Bà là cô gái cắt cỏ ven sông Cầu có nhan sắc xinh đẹp, thông minh lại có giọng hát hay, mượt mà. Bà được Chúa Trịnh đem lòng yêu, lấy về cung làm thứ phi. Đến khi già, bà trở về làng Diềm sống, sáng tác ra những bài hát đối đáp rồi truyền dạy cho các nam thanh, nữ tú trong làng.
Thế nhưng cũng có người kể lại, Vua Bà tên thật là Nhũ Hương. Vào thời nhà Lê, hoàng tử vừa mới sinh ra khóc suốt ngày đêm, không ai dỗ nín được. Hoàng hậu nằm mơ có người mách bảo, phải tìm được người phụ nữ có 3 vú và sữa thơm mới dỗ được. Trong lần đi vãn cảnh tại vùng Kinh Bắc, vua và hoàng hậu nghe thấy tiếng hát của cô gái cắt cỏ ngân nga câu hát "Tay cầm vòng giá nghênh ngang/ Tôi cầm bán nguyệt mở mang tứ thành". Hoàng hậu thấy lạ, bèn dò hỏi ra mới biết đó là người có 3 bầu sữa thơm ngon bèn triệu về cung. Cô gái vừa cho bú, hoàng tử nín ngay nên được phong là “Nhũ Hương”. Sau khi hoàng tử lớn, Nhũ Hương quay trở về làng Diềm sống và dạy hát Quan họ cho người dân trong làng.
Đám rước trong lễ hội Làng Diềm. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN |
Cũng theo Nhà nghiên cứu Quan họ Bắc Ninh Lê Thanh Khiêm, dựa theo sự tích dân gian hay lịch sử ghi chép, với những nét đẹp văn hóa trong cộng đồng làng xã, Vua Bà là biểu hiện của trí tuệ và nhân phẩm của người dân lao động của vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh. Hình ảnh Vua Bà tượng trưng cho sự kết tinh văn hóa sáng tạo trong đời sống văn hóa tâm linh, tính ngưỡng của người Quan họ.
Thêm vào đó, Vua Bà còn là hình ảnh đẹp đại diện các giá trị văn hóa ý nghĩa, gửi gắm mong ước về cuộc sống trù phú, no ấm người dân làng Diềm nói riêng, người dân xứ Kinh Bắc nói chung. Do đó, đến ngày nay, người dân làng Diềm ai cũng thuộc câu hát: "Thủy tổ Quan họ làng ta/ Những điều ca xướng Vua bà sinh ra/ Xưa nay trai gái trẻ già/ Ai mà ca được ắt là hiển vinh”.
Xuất phát từ đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ ngày Vua Bà giáng xuống làng, ngay từ đầu tháng Hai âm lịch, người làng Diềm nô nức mở hội. Lễ hội làng Diềm bắt đầu với nghi thức mở cửa đền Vua Bà và dâng hương, rửa đền vào ngày mùng 5 tháng Hai. Theo đúng nghi lễ, các cụ thượng thọ lấy nước từ giếng Ngọc trong đền làm lễ rước nước quanh làng rồi quay lại đền Vua Bà. Sáng mùng 6 vào hội chính, người dân làm lễ tế thần, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Sau phần lễ, phần hội chính làng Diềm không thể thiếu những làn điệu dân ca Quan họ. Trong đền thờ Vua Bà, các liền anh, liền chị, những nghệ nhân lớn tuổi trong làng hay "bọn" Quan họ làng khác và "bọn" Quan họ kết bạn ở các thôn như Hoài Thị (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), Đống Cao (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) chỉ sử dụng giọng La rằng để biểu diễn quan họ. Tại sân khấu ngoài trời, các liền anh, liền chị tái dựng và diễn lại sự tích Vua Bà mở hội xuân; tại các lán hát hoặc dưới thuyền, các làn điệu Quan họ thuộc hệ giọng lẻ, giọng vặt cũng được vang lên tưng bừng góp hội.
Không chỉ tại cửa đình, cửa đền, ngoài ao làng hay các ngõ ngách, trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách thập phương được chìm đắm trong những làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh mượt mà, đằm thắm. Đặc sắc nhất phải kể đến những màn hát canh thâu đêm theo giọng cổ, lề lối tại gia đình các nghệ nhân quan họ. Tại đây, du khách được nghe những câu hát chất phác, mộc mạc, đậm chất Quan họ cổ xưa.
Theo ông Nguyễn Văn Tý, Trưởng thôn thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, để giữ gìn được những lối sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, các nghệ nhân lớn tuổi, giàu kinh nghiệm trong thôn thường tổ chức các lớp dạy hát Quan họ cho thế hệ trẻ và những người yêu Quan họ cách hát bài bản, lề lối.
Cùng với niềm tự hào là quê hương của Thủy tổ Quan họ, các thế hệ trung niên hay trẻ tuổi đều có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân ca Quan họ.
Hơn nữa, làng Diềm vẫn duy trì các mối quan hệ giao lưu vốn có với các làng cân cận nên có nhiều cơ hội học hỏi cho thế hệ trẻ. Vào ngày hội, các "bọn" Quan họ trong vùng đến làng Diềm cùng tham dự rất đông. Cũng theo ông Nguyễn Văn Tý, việc lưu giữ và bảo tồn dân ca Quan họ tại làng Diềm hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, không chỉ về hệ thống cơ sở vật chất mà còn bởi khoảng cách giữa các thế hệ còn lớn, “tre già nhưng măng chưa mọc”.
Thêm vào đó, quá trình đô thị hóa tác động không nhỏ đến người dân trong làng, theo nhu cầu của xã hội, nhiều liền anh, liền chị thay vì gìn giữ phát huy nét đẹp Quan họ cổ, họ thường đi biểu diễn những bài quan họ cách tân, quan họ ca nhạc… thay vì gìn giữ những lời ca mộc mạc, chất phác vốn có của làng Diềm.
“Tuy nhiên để khắc phục được những hạn chế trên, dân ca Quan họ Bắc Ninh nói chung, Quan họ cổ tại làng Diềm nói riêng cần có sự quan tâm, tạo điều kiện về mặt cơ sở vật chất cũng như các chế độ hỗ trợ và sự tham gia chung tay của các nghệ nhân, các liền anh, liền chị trong việc gìn giữ dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản phi vật thể của nhân loại cũng như phát huy nét đẹp văn hóa lễ hội làng Diềm - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nói riêng. Từ đó, khi đến với lễ hội làng Diềm, du khách không chỉ được cảm nhận được nét đẹp tinh túy của sinh hoạt Quan họ truyền thống mà còn được thưởng thức trong làn điệu dân ca Quan họ đầy sức sống, đậm chất Kinh Bắc trữ tình, hơn hết là cảm nhận được nét đẹp của người dân làng Diềm, người dân Bắc Ninh khi đến đây”, ông Nguyễn Văn Tý cho biết.