Thần hoàng rất đa dạng, có thể là thiên thần, nhân thần, đã được lịch sử hóa hay huyền thoại hóa. Vì vậy, thần hoàng luôn được xem là linh thiêng, là vị thần thường xuyên che chở cho xóm, làng. Việc thờ thần hoàng là để bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn kính đối với các bậc tiền nhân và cầu mong thần hoàng che chở, bảo trợ cho cuộc sống của họ.
Tượng Thoại Ngọc Hầu được thờ trong đình Thoại Ngọc Hầu, An Giang. |
Ở Nam Bộ, trong mỗi ngôi đình có thể thờ một hoặc nhiều vị thần, tùy theo nhu cầu tâm linh của người dân vùng đó. Do điều kiện lịch sử, ở Nam Bộ chỉ có một số ít nhân vật lịch sử được sắc phong thần hoàng. Phần lớn thần đều là nhân vật vô danh, được thờ với chữ thần (chữ Hán) ở chánh điện. Trong tâm thức người dân Nam Bộ, thần hoàng ngự ở đình và là thần bảo hộ của cộng đồng dân cư ở làng mình. Một vài đình ở An Giang, Kiên Giang thờ tả ban, hữu ban (tức là hai cánh quân tả hữu hộ vệ cho thần, Thái giám bạch mã (ngựa thần).
Bàn thờ chữ thần ở đình Thành Hoàng, Hà Tiên, Kiên Giang. |
Rất nhiều đình ở Nam Bộ thờ những vị có công với nước được dân gian thần hóa, bao gồm: Tiền hiền (những vị có công qui tụ lưu dân khai hoang, biến đồng hoang, rừng rậm, bãi lầy thành ruộng đồng); Hậu hiền (những vị bỏ công, thời gian, tiền bạc để làm hồ sơ, thủ tục… xin lập làng, những vị hiến đất để xây dựng đình); anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ trận vong (hầu hết các đình ở Nam Bộ đều thờ các vị này nhằm thể hiện lòng tri ân đối với những người đã hy sinh trong chiến đấu bảo vệ độc lập của Tổ quốc như: Thoại Ngọc Hầu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Hữu Cảnh… Đình Nam Bộ còn thờ các vị tiên sư (đây là các bậc thầy dạy nghề cho dân làng từ những ngày đầu lập làng đến nay). Bên ngoài sân một số đình Nam Bộ còn thờ thần nông, thần tài, thổ địa, bạch hổ…
Tượng Quan Công ở đình Năm Ông, Sóc Trăng. |
Đối với vùng đất Nam Bộ, khi những lưu dân vào khai khẩn đất đai, họ đã gặp không ít khó khăn do thiên tai địch họa, do thú dữ hoành hành... Việc lập đình để thờ một vị thần nào đó là một biểu tượng tâm linh. Theo họ, thần có thể giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; giúp cho cuộc sống của họ ngày một thêm ổn định, thịnh vượng.
Việc thờ thần trong các ngôi đình là việc quan trọng, thể hiện niềm tin của con người đối với các vị thần. Do vậy, về mặt tâm linh, để các thần luôn phù hộ giúp đỡ, người dân Nam Bộ thường xuyên đến đình thắp nhang, dâng cúng lễ vật cho các vị thần. Vào các dịp lễ hội, mức độ tập trung của người dân đến các đình thường nhiều hơn, lễ vật dâng lên cũng phong phú hơn. Ở Nam Bộ, trong năm, tại các ngôi đình thường có các lễ lớn như: Lễ Thượng điền, lễ Kỳ yên,… Thượng điền: cúng cảm tạ vụ mùa; Kỳ yên: cúng cầu an. Lễ Thượng điền được tổ chức xuất phát từ nhu cầu tâm lý gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước. Trước khi bắt đầu công việc gì mang tính chất quan trọng, người dân Nam Bộ đều cầu khấn Thần linh phù hộ cho mọi việc được suôn sẻ, và khi thu được mùa vụ, họ cũng dâng lễ vật để tạ ơn thần linh. Lễ Kỳ yên còn gọi là lễ vía thần, vừa là lễ hội nông nghiệp để cầu an, cầu mùa, cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận...
Các lễ hội cúng thần hoàng ở các đình Nam Bộ thường tổ chức vào tháng 3, tháng 4, tháng 5 âm lịch. Vào các ngày lễ hội, người dân thường tập trung ở các đình, để tưởng niệm công đức của các vị thần, và cũng là dịp để tổ chức các trò chơi, hát bội, hát cải lương với những tuồng tích xưa… Đây là phần sôi động nhất, thể hiện sự cộng cảm giữa người với người sau những tháng ngày lao động mệt nhọc, được cùng nhau dâng lễ vật tạ ơn thần và cùng tham gia các trò chơi.
Lễ hội cúng thần hoàng ở các đình làng Nam Bộ là cầu nối tâm linh giữa con người với thần linh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời cũng là hình thức trao truyền văn hóa truyền thống của dân tộc từ thế hệ trước sang thế hệ sau, là nét văn hóa đặc sắc của người dân Nam Bộ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung.