Yêu cầu phát triển mới của Hà Nội
Cũng phải thừa nhận, trong cuộc sống còn tồn tại những hành vi phản văn hóa, gia đình cũng đang đứng trước những thách thức về cách thức tổ chức đời sống cá nhân và đời sống chung các thành viên. Hệ giá trị gia đình Thủ đô, chuẩn mực người Hà Nội ít nhiều bị tác động bởi những yếu tố bất cập. Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu hệ giá trị gia đình, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh là yêu cầu hiện thực khách quan có ý nghĩa lý luận, thực tiễn cao.
Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Trong đó, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là một trong những cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu con người thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, Hà Nội rất nhanh nhạy, sáng tạo khi là địa phương đầu tiên trong cả nước mang vấn đề này ra bàn thảo, góp phần nâng cao nhận thức cho các cơ quan, ban, ngành và nhân dân về giữ gìn, phát triển văn hóa nói chung, định hình hệ giá trị nói riêng. Có rất nhiều vấn đề đặt ra, nếu không có bộ khung, chuẩn mực, hành lang văn hóa (cốt lõi là hệ giá trị) khó tạo chuyển biến.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng: Việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Thủ đô là yêu cầu có tính cấp thiết. Vấn đề đặt ra là, những giá trị nào trong hệ gia đình truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội cần gìn giữ và gìn giữ bằng cách nào? Các giải pháp khả thi, có hiệu quả cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh? Ông cho rằng Hà Nội cần triển khai các yêu cầu trên bằng một kế hoạch có tầm chiến lược, đồng bộ và có tính khả thi” - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định.
Củng cố hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội
Từ nhiều năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai chương trình xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Những quy định từ việc cưới, việc tang đến bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng văn hóa công sở… đã góp phần vào việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình và xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong điều kiện mới.
Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng thực hiện nhiều giải pháp trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, nếp sống văn minh. Là vùng lõi của Hà Nội, người Hoàn Kiếm luôn coi trọng cách đối nhân xử thế, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong gia đình. Trải qua nhiều biến động, thăng trầm, những giá trị nền tảng ấy vẫn luôn tồn tại và là thành tố giúp duy trì sự bền vững, lan toả những nét đẹp văn hóa trong đời sống của mỗi gia đình, dòng họ, địa bàn dân cư.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Để xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thời gian tới, quận Hoàn Kiếm tiếp tục phát huy sức mạnh hệ thống chính trị, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát hiện các nhân tố mới, mô hình mới trong phát triển văn hóa. Đồng thời, tiếp tục tham mưu với các cấp quản lý để xây dựng chế tài trong việc quản lý việc thực hiện hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Còn tại huyện Mê Linh, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư huyện cho biết, huyện quan tâm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc bằng việc đưa các chỉ tiêu cơ bản về gia đình vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Huyện đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình đem lại những hiệu quả tích cực, phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng đời sống văn hoá phát triển kinh tế, xã hội. Huyện Mê Linh cũng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền xây dựng các mô hình văn hóa, các quy tắc ứng xử góp phần nâng cao chất lượng phong trào văn hóa. Công tác giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của quần chúng nhân dân tiếp tục được duy trì.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn thành phố không chỉ “giải mã” những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng hệ giá trị gia đình, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh, còn cung cấp những thông tin thiết thực, phong phú, sinh động từ cơ sở, góp ý trực tiếp vào dự thảo Chỉ thị của Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”.