Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 3 diễn ra từ ngày 17 - 22/4 với nhiều hoạt động sôi nổi tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1), Đường sách TP Thủ Đức và 21 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Trịnh Hữu Anh, riêng tại khu vực Công trường Công xã Paris và Đường sách Nguyễn Văn Bình, ngày hội sách được chia làm 4 khu vực: Đại cảnh chuyển đổi số, nơi thực hiện Triển lãm sách đạt Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2023 gồm 41 tác phẩm; khu vực Triển lãm tư liệu, xuất bản phẩm kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và kỷ niệm 1 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2024); không gian để triển lãm tư liệu, xuất bản phẩm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Genève (Giơ - ne - vơ) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/2054 - 21/7/2024).
Ngoài ra, sự kiện còn có không gian trưng bày, trải nghiệm sách điện tử và không gian trưng bày của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách với sự tham gia, đồng hành của 31 đơn vị cùng 42 gian hàng mang đến gần 50.000 quyển sách hay, bổ ích, đa dạng thể loại, chủ đề phong phú. Song song đó là các chuỗi talkshow về sách, kỹ năng hình thành thói quen đọc sách, giao lưu ký tặng sách “Nhóc Miko” cùng tác giả truyện tranh nổi tiếng thế giới Ono Eriko...
Một trong những điểm nhấn của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 3 tại TP Hồ Chí Minh năm nay chính là trong lễ khai mạc (19/4), ban tổ chức sẽ công bố Đại sứ Văn hóa đọc nhiệm kỳ 2024 – 2025 và ra mắt Câu lạc bộ Đại sứ Văn hóa đọc TP Hồ Chí Minh.
“Nét mới của ngày hội còn là ứng dụng chuyển đổi số trong sự kiện. Hoạt động này bám sát việc phát huy và ứng dụng thế mạnh mạng xã hội trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành để đẩy mạnh việc kết nối, quảng bá xuất bản phẩm giúp các đơn vị sách làm quen với quá trình thiết lập, vận hành và phát triển gian hàng trên nền tảng số. Từ đó, đa dạng hóa cách thức tiếp cận sách với người đọc”, ông Trịnh Hữu Anh cho biết thêm.