Triển lãm sắp đặt, trưng bày ký họa về làng cổ Đường Lâm

Ngày 14 - 15/10, Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy giá trị kiến trúc Làng cổ Đường Lâm, quảng bá lịch sử, văn hóa, kiến trúc di tích đến đông đảo người dân và du khách.

Chú thích ảnh
Triển lãm "Cộng đồng số 01" tại Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: TTXVN phát

Trong đó, Triển lãm “Cộng đồng số 01” đem những giá trị văn hóa và kiến trúc của Làng cổ Đường Lâm nói riêng, Việt Nam nói chung đến gần hơn với công chúng. Sự kiện có sự phối hợp của các kiến trúc sư, họa sĩ, người nghiên cứu về làng cổ.

Triển lãm sắp đặt, trưng bày các tác phẩm ký họa về Đường Lâm được triển khai từ năm 2013 và những cấu kiện nhà cổ Việt Nam được sưu tầm trong hơn 13 năm. Bên cạnh đó, chương trình còn tổ chức giao lưu vẽ phác họa ngay tại Đường Lâm do Tổ chức Urban Sketchers Vietnam, Urban Sketchers Hà Nội và Câu lạc bộ họa sĩ màu nước Hà Nội kết hợp cùng lớp Mỹ thuật Luly Art thực hiện. Đây là sự kết hợp ý nghĩa giữa những người yêu văn hóa và kiến trúc cùng các bạn nhỏ Đường Lâm, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị.

Trưởng Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết: Triển lãm góp phần đem đến cho nhân dân và du khách những góc nhìn thú vị về kiến trúc đặc trưng của Làng cổ Đường Lâm, thông qua đó nâng cao ý thức giữ gìn và bảo tồn các giá trị truyền thống, thúc đẩy phát triển các lớp dạy vẽ ký họa về di sản cho trẻ em tại Làng. Trên cơ sở thành công của triển lãm, Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm sẽ tiếp tục tổ chức những triển lãm khác tại các không gian công cộng của Làng cổ.

Cũng trong dịp này, Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm vinh danh kiến trúc sư Thái Lan Oopatham Ratanasupa - người đã nghiên cứu và vẽ kí họa những kiến trúc tiêu biểu của Làng cổ Đường Lâm từ năm 2013.

Chú thích ảnh
Vinh danh kiến trúc sư Thái Lan Oopatham Ratanasupa, người có nhiều nghiên cứu và ký họa về kiến trúc Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: TTXVN phát

Kiến trúc sư Oopatham Ratanasupa còn được mọi người biết tới với cái tên là “Xe Om”. Anh rất đam mê kiến trúc bản địa và đương đại của Việt Nam. Oopatham Ratanasupa tốt nghiệp và làm kiến trúc sư gần 10 năm tại Pháp. Tại đó, anh tiếp thu thông tin và tìm hiểu về Việt Nam ở nhiều khía cạnh khác nhau. Hiện nay, anh đang giảng dạy tại một trường kiến trúc ở Bangkok (Thái Lan) và một số trường đại học danh tiếng trên thế giới.

Năm 2013, Oopatham Ratanasupa đến với Làng cổ Đường Lâm, gặp gỡ và kết giao với người bạn vì yêu Đường Lâm mà về định cư tại làng. Từ những cuộc trò chuyện và niềm yêu thích với mảnh đất Đường Lâm, ý tưởng về những bản phác họa kiến trúc đã nhen nhóm trong anh. Dự án được anh triển khai từ năm 2013 gồm xây dựng 1 tấm bản đồ cho ngôi làng, kết hợp với các bản vẽ ký họa nhằm thể hiện những nét độc đáo, thú vị của kiến trúc công cộng và nhiều ngôi nhà cổ nơi đây. Cho đến nay, dự án cá nhân của anh đã hình thành một gia tài khổng lồ, lưu giữ vẻ đẹp của Đường Lâm theo phong cách rất riêng...

Thông qua các hoạt động phát huy giá trị kiến trúc Làng cổ, đặc biệt thông qua việc làm ý nghĩa của kiến trúc sư người Thái Lan cũng như các kiến trúc sư và họa sĩ Việt Nam, Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm mong muốn những người dân địa phương tăng thêm trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản vốn có.

Đinh Thuận (TTXVN)
Ẩm thực Làng cổ Đường Lâm dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Ẩm thực Làng cổ Đường Lâm dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn

Làng cổ Đường Lâm không chỉ biết đến là “đất hai Vua”, là nơi sinh ra những vị hiền tài kiệt xuất, nơi chứa đựng các giá trị văn hóa tiêu biểu của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ mà Đường Lâm còn là địa danh có văn hóa ẩm thực đặc sắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN