Để công chúng có dịp hiểu thêm về quá trình chinh phục biển của dân tộc, đồng thời biết trân trọng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) đã tổ chức trưng bày “Di sản văn hóa biển Việt Nam” (từ tháng 5 đến tháng 11/2012) với hơn 300 hiện vật có niên đại trải dài từ thời tiền sử cho đến ngày nay.
Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Trưng bày được chia làm ba không gian với ba nội dung: Di sản văn hóa biển Việt Nam từ tiền sử tới thế kỷ X; di sản văn hóa biển Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII và di sản văn hóa biển Việt Nam từ thế kỷ XIX đến hiện đại. Ở mỗi nội dung trưng bày, du khách đều được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật, tài liệu độc đáo, có giá trị văn hóa, lịch sử.
Sức hút ở không gian di sản văn hóa biển Việt Nam từ tiền sử đến thế kỷ X là những hiện vật khảo cổ học các di chỉ Hạ Long, Quỳnh Văn, Xóm Ốc (đảo Lý Sơn), hiện vật Đông Sơn tìm thấy tại Gò Quê, Bình Sơn, đến những hiện vật đồ gốm, đồ đồng thời Bắc thuộc; các loại đá lạt ma, đồ trang sức thủy tinh, mã não có nguồn gốc ngoại nhập tìm thấy tại mộ cổ Mạo Khê, Thủy An, di chỉ Lai Nghi, di chỉ Giồng Cá Vồ… hay gương đồng, tiền Ngũ Thù, Vương Mãng tìm thấy tại các di tích văn hóa Sa Huỳnh... Ngoài các hiện vật quý, còn có nhiều tài liệu khoa học như bản đồ di tích khảo cổ hậu kỳ đá mới - sơ kỳ đồ đồng vùng duyên hải và một số đảo, quần đảo Việt Nam; Bản dập hoa văn hình thuyền trên trống đồng Đông Sơn, bản đồ con đường gia vị thời cổ đại, bản trích Lâm Ấp ký (Lịch Đạo Nguyên chú) mô tả dấu ấn của Đại đế Ashoka (Vua A Dục) tại lưu vực Sông Hồng trước công nguyên…
Trọng tâm của trưng bày lần này là những hiện vật của thế kỷ XVII - XVIII, bởi đây là thời kỳ bùng nổ của thương mại Việt Nam với những cảng thị lớn trải dài từ Bắc chí Nam. Theo sử sách, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII, ngay sau khi giành được độc lập, các vương triều đã ra sức chăm lo, củng cố và phát triển để đưa Đại Việt trở thành địa chỉ giao thương hấp dẫn đối với Trung Quốc, các quốc gia cổ ở Đông Nam Á và trên thế giới. Ở thời kỳ này, tại các di chỉ khảo cổ đã tìm được nhiều hiện vật như đồ gốm loại hình nước ngoài, đồ dùng thủy thủ đoàn, đồ gốm sứ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan... Đặc biệt, nhiều tài liệu quý như bản đồ khảo cổ học Vân Đồn, bản trích Đại Việt sử kí toàn thư về việc lập thương cảng Vân Đồn; Bản phục chế Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (ghi chép về việc lập và hoạt động của Hải đội Hoàng Sa và Hải đội Bắc Hải); Bản đồ trong Toàn tập An Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Công Đạo (thế kỷ 17) vẽ và ghi chú về quần đảo Hoàng Sa; Bản đồ Đông Nam Á (bao gồm Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa) của Blaeu năm 1635... đã được trưng bày tại đây.
Ở gian trưng bày thời kỳ từ thế kỷ XIX đến nay, du khách cũng được chứng kiến nhiều tài liệu khoa học như bản in sao Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Minh Mệnh; bản in sao châu bản triều Nguyễn niên hiệu Minh Mạng 19 (18) về việc đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ Hoàng Sa; bản số hóa Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Bảo Đại 13 (1939) về Hoàng Sa; Bản in trang nội dung trong Đại Nam thực lục về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và ngoại thương hàng hải thời Nguyễn; các tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam…
Với một số lượng lớn hiện vật đặc sắc cùng những tài liệu khoa học phụ quan trọng, trưng bày lần này đã đem đến cho khách tham quan những trải nghiệm thú vị, thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Đây cũng là những bằng chứng cho thấy Việt Nam đã dự nhập mạnh mẽ và có những đóng góp quan trọng vào lịch sử hình thành và hoạt động của hệ thống giao thương hàng hải quốc tế, đồng thời cũng khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phương Hà