19/5/2011 này, kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UBND tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An tổ chức tổng kết 30 năm Lễ hội Làng Sen và Hội thảo khoa học "30 năm Lễ hội Làng Sen (1981 - 2011) với việc bảo tồn, phát huy các giá trị Văn hóa Hồ Chí Minh" và kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2011).
Dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác (2001), Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với tỉnh Nghệ An quyết định chuyển đổi Liên hoan Tiếng hát Làng Sen thành Lễ hội Làng Sen. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Làng Sen, ông Nguyễn Xuân Đường cho biết: "Vào dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1981, tỉnh Nghệ - Tĩnh long trọng tổ chức Liên hoan ca khúc chính trị hát về Bác Hồ. Thấy đây là một sinh hoạt văn hóa chính trị giàu ý nghĩa và có triển vọng, được nhiều tầng lớp nhân dân và cán bộ hưởng ứng, năm sau đó, Liên hoan ca khúc chính trị hát về Bác Hồ được nâng cấp thành Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, tổ chức hàng năm trong tỉnh và 5 năm một lần toàn quốc. Trải qua 30 năm hình thành, phát triển Lễ hội Làng Sen có được diện mạo như hôm nay".
Ông Nguyễn Hữu Thuông, (nguyên Giám đốc Nhà Văn hóa Trung tâm Nghệ - Tĩnh, một trong số những người có công khởi xướng Liên hoan Tiếng hát Làng Sen), cho biết: "Liên hoan tiếng hát Làng Sen để kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ là một ý tưởng nhân văn, vừa bao hàm tình cảm vừa có tính chất trí tuệ. Liên hoan đã trở thành cuộc gặp gỡ, giao lưu truyền thống của phong trào nghệ thuật quần chúng trong tỉnh và cả nước".
Và trong suốt bằng ấy năm qua, những người tham gia tổ chức Liên hoan Tiếng hát Làng Sen có người đã mất, một số anh chị em đã nghỉ hưu, song tất cả vẫn chung một niềm tự hào về Tiếng hát Làng Sen. Liên hoan là nguồn động viên vô cùng lớn trong ký ức mỗi người.
Tuy nhiên, theo ông Trần Nhật Tiến (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ - Tĩnh, người cùng thời góp phần đắc lực cho Liên hoan tiếng hát Làng Sen ra đời): Muốn duy trì Hội diễn thì điều quan trọng là phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, từ kịch bản lễ hội đến sáng tác, biểu diễn…, vì đề tài Bác Hồ là nguồn xúc động vô tận, nhưng viết và thể hiện cho hay lại không đơn giản một chút nào!
Năm 2011, các nội dung Liên hoan tiếng hát Làng Sen và Lễ hội Làng Sen sẽ được tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức gồm: Liên hoan tiếng hát Làng Sen toàn tỉnh (23 - 24/5) với sự tham gia của 20 đoàn nghệ thuật quần chúng các huyện, thị xã trong tỉnh. Giao lưu Liên hoan tiếng hát Làng Sen toàn quốc được tổ chức dưới chân tượng đài Bác tại Quảng trường Hồ Chí Minh vào tối 25/5, có sự tham gia của 6 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Tháp, Cao Bằng, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh. Hội thảo khoa học 30 năm Lễ hội Làng Sen với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh (26/5). Hội nghị Tổng kết 30 năm Liên hoan tiếng hát Làng Sen và Lễ hội Làng Sen (1981 – 2011). |
Từ Liên hoan Tiếng hát Làng Sen tới Lễ hội Làng Sen, có thể nói đã có một bước chuyển đổi về chất của 2 loại hình hoạt động văn hoá. Trong dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh Bác Hồ và Lễ hội Làng Sen toàn quốc, năm 2005, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng -Văn hóa Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin) đã đề nghị cần ghi nhận Lễ hội Làng Sen và Liên hoan Tiếng hát Làng Sen là những sáng tạo lớn của Nghệ An; đồng thời mong muốn Lễ hội Làng Sen phải ngày càng xứng đáng là Lễ hội tôn vinh Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Hồ Chí Minh.
Cũng trong dịp này, bàn về vấn đề Lễ hội Làng Sen với việc giáo dục truyền thống yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bên cạnh những nội dung khác. Cụ thể, Lễ hội Làng Sen cần góp phần giáo dục chủ nghĩa yêu nước, giáo dục cho mỗi người Việt Nam tình yêu thương và nghĩa vụ đối với cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột thịt; giáo dục tình yêu quê hương, làng xóm, cộng đồng họ tộc, và đặt tình cảm ấy trong tình yêu quê hương xứ sở, tạo lập nên trong mỗi con người Việt Nam mối quan hệ gắn bó, cùng những tình cảm sâu đậm với cộng đồng và với thiên nhiên...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Làng Sen Nguyễn Xuân Đường cho biết: "Sinh thời, Bác của chúng ta vô cùng liêm khiết và không ưa gì danh vọng. Cuộc đời Bác chỉ sống cho nhân dân. Bởi thế, kỷ niệm 30 năm Lễ hội Làng Sen và Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, trong tâm thế hướng về những tư tưởng đạo đức và di sản văn hóa Hồ Chí Minh là một hướng đúng đắn, để từ đó biến lễ hội và tiếng hát của nhiều người trên một vùng đất thành lễ hội và tiếng hát của mỗi một chúng ta, trong sự nghiệp phát triển và đổi mới".
Và cũng chính vì thế, Liên hoan tiếng hát Làng Sen và Lễ hội Làng Sen là hoạt đông nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân gắn với những tình cảm của người dân đối với Bác.
Kim Hùng- Linh Anh