Vùng ngũ Quảng bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Đức (Thừa Thiên Huế ) từ xa xưa đều có tục cúng đất. Tục lệ này diễn ra một năm hai lần vào một ngày tốt trong tháng hai và tháng tám âm lịch. Ở Huế người dân vẫn còn cúng rộng rãi với tên gọi lễ “tạ thổ kỳ yên”.
Cúng đất ngày xưa
Hễ đến tháng tám âm lịch, không như bao người khác nhớ đến cái Tết Trung thu, tôi lại nhớ mùa cúng đất. Bởi thời thơ ấu của tôi, dưới thời bao cấp, trẻ quê lấy gì mà ăn Tết Trung thu! Ăn Tết Nguyên đán mà còn chưa đàng hoàng. Trung thu nông thôn sẵn có “ông trăng”, làm gì có đèn ông sao mà rước…Khá lắm, cha mẹ mua cho dăm cái kẹo loại trẻ con bây giờ mời không thèm đụng.
Mâm cỗ cúng đất (đơn giản) trên hè phố |
Nhưng cúng đất thì khác. Gia đình nào cũng phải làm cỗ bàn tươm tất. Không thể thiếu con gà trống to hết cỡ. Rồi nem, chả, cá tôm. Ngày cúng đất trong nhà tấp nập khách khứa ra vào. Mâm thớt khua chí chát. Sau đó là đến chuyện trả nợ miệng. Ba tôi lại được bà con xóm giềng mời đi ăn cúng đất giáp vòng cho đến hết tháng tám. Tất nhiên ông dẫn tôi đi cùng. Tôi sướng như lên tiên. Hết tháng tám, tôi lại trở về với bữa cơm độn khoai sắn như mọi người. Thế nên thằng bé “xấu máu ăn” như tôi nhớ mùa cúng đất (để được ăn ngon) là phải thôi!
Thông thường gia đình lựa chọn ngày tốt, sắm sửa lễ vật để cúng đất, còn gọi là cúng Thần Hoàng Bổn Xứ. Tùy theo mỗi vùng miền, mà trên bàn lễ sắp đặt khác nhau. Theo các “bô lão”, trên bàn thờ phải có hai mâm với hai bát hương riêng. Một bàn cúng Thần Hoàng Bổn Xứ là các vị thần chức lớn cai quản trong địa phương. Bàn kia là cúng mâm hội đồng, bao gồm các vị thần có chức sắc nhỏ hơn và các cô hồn cát đẳng, không nơi nương tựa...
Trên bàn cúng đất phải đầy đủ bát hương, chân đèn, chén nước, bài trí theo “thiết kế” của người xưa như “đông bình tây quả”, hương đèn, vàng bạc, giấy tiền, giấy đất, hạt nổ (gạo muối, lương khô)... Phẩm vật thường có cơm, xôi, chè, thịt heo, con gà luộc, cá chiên, các thứ xào, trộn, bánh tráng nướng... Bàn hạ còn có thêm một đĩa cua luộc, cá nướng và một bát cháo thánh (cháo trắng)... Mấy món không thể thiếu được là đĩa sắn, khoai, đậu, môn, rau khoai luộc, chén nước ruốc... Ngoài ra, còn có một bộ đồ thần để đốt. Trước khi cúng, gia chủ còn làm một cái “xà lắt” bằng bẹ chuối treo sát chân bàn. Cúng xong, gia chủ bỏ các món ăn vào mỗi thứ một ít. Người nhà sẽ mang ra ngã ba đường cái để treo.
Bàn đặt ở trước nhà, gia chủ đứng từ trong nhà lạy ra và khấn vái tên đầy đủ các thiên thần cai quản trời đất, vùng đất cụ thể, nhà cửa của gia chủ… Đặc biệt còn dâng cúng cả những cô hồn người Chăm... từng cư trú trên địa bàn Huế, cũng như những hài cốt tiềm ẩn trong đất. Cũng chính vì có đối tượng là cô hồn người dân tộc thiểu số nên mới bày biện món rau khoai luộc chấm nước ruốc, xâu cá tôm nướng.
Biến tướng ngày nay
Vừa mới sang tháng tám âm lịch có vài ngày tôi đã được mời đi ăn cỗ cúng đất. Có ngày tôi phải “vác bụng” chạy sô đến ba nơi. Khi tàn tiệc lại được nghe bạn bè chất vấn “Nhà cậu bao giờ cúng đất?”, “Cơ quan cậu cúng đất chưa?”. Thời nay “thoáng” nên nhà nhà cúng đất, các cơ quan, công sở cũng vậy.
Cúng đất thời hiện đại rất linh đình, hàng mã ngũ kim đẹp rực rỡ, đốt hàng giờ liền không hết. Sắm sửa cỗ bàn đã có nhà hàng “di động” đến hợp đồng lo liệu. Vừa thắp nhang lễ bái đã thấy bia bọt lai láng trên hai bàn thượng hạ. Rượu thì rượu ngoại. Thế mới hay đời sống người dân ta đi lên, các ông thần bước sang thế kỷ XXI “ ăn theo” sướng thật!
Cúng đất bây giờ là dịp để mời mọc đồng chí, đồng nghiệp. Dân mua bán kinh doanh thì PR đối tác, bạn hàng. Có anh bạn tiết lộ, một tháng cúng đất bỏ cơm nhà hết 25 bữa. Có ngày chạy sô hai, ba nơi. Anh bạn bảo: Không đi không được, “sợ mếch lòng”.
Những người làm hàng mã vượt “chỉ tiêu” doanh thu nhờ cúng đất đã đành. Cả làng chuyên làm hàng hột nổ ( làng Sình - xã Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) cũng kiếm chút cháo bù lỗ thời gian nông nhàn. Ngoài thị trường giá gà trống lên vùn vụt như giá vàng phi mã. Riêng cái khoản coi giò gà đoán tài lộc của mấy ông thầy bói cũng ăn nên làm ra.
Thiết nghĩ, cúng đất là dịp để gia đình, bạn bè họp mặt sau khi mùa vụ đã gặt hái xong. Tục lệ này nhằm thắt chặt tình cộng đồng hàng xóm, láng giềng. Cúng đất còn là dịp để các bà, các chị thể hiện sự khéo léo, giỏi giang trổ tài nữ công gia chánh. Ngày xưa tiệc tùng trong ngày cúng đất chỉ mang tính nghi lễ, đơn sơ chứ không có lệ “chiếu trên, chiếu dưới” đua tiền, khoe của như thế.
VŨ HÀO