Theo truyền thống mẫu hệ, những người con gái Kơ Ho, Chu Ru đến tuổi trưởng thành phải đi “bắt” chồng. Số tiền, vàng nộp theo yêu cầu thách cưới của nhà trai luôn phải tính bằng “cây”. Hai mươi triệu, ba mươi triệu và thậm chí là năm mươi, bảy mươi triệu đồng để có một tấm chồng. Và nếu chẳng may trở thành góa phụ ở bất kỳ độ tuổi nào, những người phụ nữ lại tiếp tục oằn lưng với tục trả nợ xương cốt.
Báo Tin Tức xin giới thiệu cùng bạn đọc loạt phóng sự về “chiếc vòng kim cô” nối dài của những người phụ nữ Kơ Ho, Chu Ru đáng thương tại Lâm Đồng.
Bài 1: Mua chồng với giá... trên trời
Thay vì được chồng cưới về như người Kinh, từ ngàn xưa, người con gái Chu Ru, Kơ Ho... đến tuổi trưởng thành phải đi “bắt chồng” cho mình. Lễ vật của tục thách cưới từ phía nhà trai trước đây cũng chỉ là vòng cườm, khăn, áo và nhẫn bạc tượng trưng. Điều này được bà con các dân tộc thiểu số xem là một nét đẹp cần phải gìn giữ trong tục cưới của mình. Nhưng đó là chuyện xưa, chuyện của thế hệ cha ông chỉ biết đến rẫy bắp, nương lúa khô và quẩn quanh trong buôn làng giữa bạt ngàn rừng núi. Ngày nay, tục lệ này đang bị nhiều người lợi dụng, trở thành một gánh nặng cho gia đình nhà gái.
Sau khi “bắt chồng”, người phụ nữ Kơ Ho lại oằn lưng làm việc để trả nợ. |
P’Róh là một xã khó khăn bậc nhất của huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đa số người dân ở đây là bà con dân tộc Chu Ru, đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào nghề trồng lúa truyền thống, chỉ có một số rất ít hộ dân đã bắt đầu tiếp cận nghề trồng rau thương phẩm. Xã có 871 hộ dân thì đã có tới 609 hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới. Bà Ma Phương - vợ của già làng Ya Ngôn - là một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá giả nhất ở P’Róh trần tình: “Khốn khổ cho những gia đình có đông con gái. Nghèo cỡ nào, cưới chồng cho con cũng phải mất hàng chục triệu!”. Ngay cả người có uy tín trong cộng đồng như già làng Ya Ngôn cũng phải bỏ ra trên 30 triệu đồng mua sắm lễ vật thách cưới gồm vàng, vòng cườm, chăn và nhiều vật phẩm khác cho 3 cô con gái là Ma Xim, Ma Im và Ma Tim “bắt chồng”.
Trường hợp những cô gái nhà Ya Ngôn còn có cái may mắn là đều “bắt chồng” ở các buôn, làng cùng xã, chuyện thách cưới trong cùng buôn, làng có phần nhẹ hơn. Bi kịch phải hy sinh hạnh phúc lứa đôi sẽ đến với bất cứ cô gái nghèo nào nếu chẳng may người bạn trai mà họ yêu thương lại ở một xã hoặc huyện khác. Chị Ma Nin ở buôn M’Lọn thị trấn Thạnh Mỹ - Đơn Dương đã phải nhờ bố mẹ bán trên 2.000 m2 đất trồng rau để mua sắm lễ vật thách cưới trên 30 triệu đồng, mới “bắt” được K’Điếu ở xã Tà In, huyện Đức Trọng về làm chồng. Phần đất được chia làm của hồi môn đã bán trước ngày cưới nên giờ đây, khi đã có 3 mặt con, vợ chồng Ma Nin - K’Điếu vẫn phải còng lưng đi làm thuê cho người khác để kiếm miếng ăn qua ngày.
Trong hành trình của mình, chúng tôi đã được nghe kể nhiều câu chuyện buồn đến rơi nước mắt. Chị Ma Ch., một đảng viên, cán bộ Hội Phụ nữ ở thị trấn Thạnh Mỹ ngậm ngùi kể câu chuyện của chính gia đình mình. Ma H, con gái của Ma Ch. là một cô gái thuộc hàng “hoa khôi” của vùng M’Lọn. Ngày còn học trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng, Ma H đã yêu chàng trai Ya Pia ở xã Tu Tra. Mới đây, khi Ya Pia trở thành thầy giáo của trường THPT P’Róh, họ đã tính chuyện sẽ đến với nhau nhưng gia đình Ya Pia trước là “đánh tiếng” và sau đã nói thẳng, nếu gia đình Ma H không có... 70 triệu đồng thì nhất định không được cưới con trai họ. Lý do khiến gia đình Ya Pia “thách” trên trời như vậy là do con trai họ đã học hành nên người và... “có giá” hơn nhiều chàng trai khác. Không thể xoay nổi một món tiền khổng lồ, chị Ma Ch. đành cho con gái về Thành phố Hồ Chí Minh đi học. Còn Ya Pia đến giờ này vẫn không thể yêu người khác.
Ông K’Đăng, Trưởng thôn Đa Huynh (nay là khu phố Đa Huynh, thị trấn Đinh Văn – Lâm Hà – Lâm Đồng) kể rằng, trong thôn của ông hiện còn có trên 20 cô gái Kơ Ho đã ngoài 20 tuổi – cái tuổi bị xem là đã quá muộn mằn đối với những người con gái dân tộc thiểu số - nhưng vẫn không có khả năng lập gia đình vì quá nghèo. Cũng ở khu phố này, gia đình bà Ka Ros có 4 chị em gái đến tuổi lập gia đình, bố mẹ phải khuyên hai người chị nhường cho em đi “bắt chồng” trước, vì không thể kiếm nổi những món thách cưới quá sức của gia đình các chàng trai.
Trong một số vùng dân tộc thiểu số mà nạn thách cưới đang trở thành gánh nặng của hàng trăm cô gái nghèo như các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đơn Dương... cũng đã có những chàng trai, cô gái phải “vượt rào” để đến với nhau; có không ít đôi trẻ phải dùng tới chiêu “chuyện đã rồi” để được sống cùng một mái nhà. Nhưng đây là một kiểu “xé rào” khó được chấp nhận và hầu hết những trường hợp này đều không được cộng đồng, đặc biệt là gia đình hai bên thông cảm, họ phải chịu sự ghẻ lạnh trong suốt cuộc đời. Chính vì thế, dù nghèo đến đâu, bố mẹ cô gái cũng phải bằng mọi giá như bán đất, bán nhà, cầm cố nương rẫy để lo đủ khoản thách cưới cho con gái lấy chồng.
Không chỉ những người dân, nhiều cán bộ xã, huyện cũng thách cưới cao chót vót. K’Tân, cán bộ văn hóa của xã Đinh Trang Hòa (Di Linh) còn “thách” tới 60 triệu đồng gia đình một cô gái ở xã Gung Ré (cùng huyện). Ở buôn M’Lọn A (nay là khu phố M’Lọn - thị trấn Thạnh Mỹ - Đơn Dương), có một cán bộ Mặt trận khu phố - người có vai trò rất quan trọng trong việc vận động cộng đồng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư – còn “khiêm tốn” thách tới 1,5 cây vàng khi cho con trai mình về nhà gái. Trả lời thắc mắc của các đoàn thể ở địa phương, ông này còn đổ lỗi về phía vợ và cho rằng “không thách như thế thì con mình sẽ... mất giá”.
Bài và ảnh: Sơn Tùng
Bài cuối: Đắng cay nợ xương cốt