Nghi thức rước bát hương qua sân Đại bái và điện chính. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN |
Thông lệ hằng năm, cứ vào 20/8 Âm lịch, lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng được mở. Tại đây du khách sẽ được chứng kiến những hoạt động tín ngưỡng nhằm bày tỏ thành kính đến các bậc “khai quốc công thần”; hòa mình vào các sinh hoạt tín ngưỡng cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị.
Trong phần hội sẽ có nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng, kéo co... Đặc biệt, hai hoạt động thể thao dân gian đặc sắc lưu truyền từ ngàn xưa là đấu vật, bơi chải mô phỏng lại cảnh rèn binh, luyện tướng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhà Trần cũng được tái hiện lại.
Theo ông Đinh Bá Diến, Thủ nhang đền Đệ Nhất, Lễ hội đền Đồng Bằng, năm nay có 21 kiệu và hàng trăm bát biểu, chắp kính thu hút hàng trăm dân thôn bản hạt tham gia rước kiệu. Lộ trình rước kiệu, bát biểu của các đoàn kiệu đi theo hướng đền Mẫu Sinh, đền quan lớn Đệ Nhất, quan lớn Đệ Nhị, quan lớn Đệ Tam, đền Bến, đền Quan Điền.
Lễ hội đền Đồng Bằng là dịp để nhân dân tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại; đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của du khách thập phương khi đến chiêm bái, vãn cảnh.
Đền Đồng Bằng là di tích kiến trúc có giá trị như một bảo tàng mỹ thuật gỗ, tọa lạc bên dòng sông cổ Mai Diêm thơ mộng thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng (nay là làng Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ); được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) cấp Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1986.
Ban đầu đền Đồng Bằng chỉ là ngôi miếu nhỏ, tới thời Tiền Lê, đền được xây dựng đồ sộ, uy linh, mở rộng thành 5 cung và bốn ban thờ hoành tráng, được liệt vào “Tứ cố cảnh”.
Qua thời gian, giặc giã, tới nay, mặt bằng di tích bị thu hẹp song tại đây còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí có giá trị, như: các bài vị đời nhà Lê tiến cúng; cuốn thư, hoành phi, câu đối, đại tự từ thời Khải Định…
Lễ hội đền Đồng Bằng sẽ diễn ra đến hết ngày 26/8 Âm lịch.