Hàn Quốc vẫn là thị trường có khách du lịch nhiều nhất; chiếm tới 1/3 lượng khách nước ngoài đến Huế. Khách Hàn Quốc đến Huế chủ yếu lựa chọn đi tham quan, thưởng thức ẩm thực, mua sắm, nhưng hạn chế của Huế là chưa có địa điểm mua sắm lớn phục vụ và thiếu hướng dẫn viên ngôn ngữ tiếng Hàn. Một số thị trường nước ngoài khác vẫn có lượng khách du lịch đến Huế tăng trưởng ổn định như Pháp, Đức, Anh...
Từ đầu năm đến nay, để thu hút khách du lịch, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều hoạt động như: Thực hiện chiếu sáng mỹ thuật Kỳ Đài Huế, bắn thử nghiệm súng thần công tại Kỳ Đài... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến với Cố đô Huế. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung nâng cấp website du lịch Thừa Thiên - Huế với hai thứ tiếng Việt và Anh; liên kết với website quảng bá du lịch của Tổng cục Du lịch, các địa phương trong cả nước và các thành phố quốc tế có mối quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh để cung cấp thông tin, quảng bá du lịch Thừa Thiên - Huế.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiếp tục khai thác tốt tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản" để thu hút khách du lịch. 5 di sản là: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, vốn được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Khách du lịch đến với di sản Huế ngày càng tăng cao, cho thấy khu di sản Huế ngày càng có sức hấp dẫn và tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản" trở thành thương hiệu, điểm đến lý tưởng đối với du khách.
Đáng chú ý, bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá điểm đến, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế còn liên kết với các địa phương trong khu vực khai thác tốt tour du lịch "Con đường di sản miền Trung". Bắt đầu từ tháng 7/2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chính thức thu thêm phí tham quan lăng Gia Long và mở cửa chương trình "Âm sắc Hoàng cung" vào ban đêm, cùng với lễ đổi gác tại Ngọ Môn, tạo điểm nhấn cho khách du lịch tham quan Hoàng Cung Huế vào ban đêm. Tỉnh Thừa Thiên - Huế còn mở rộng một số khu vực trên cầu Trường Tiền để biến nơi đây thành một không gian lễ hội, ẩm thực về đêm.
Tỉnh hình thành không gian văn hóa nghệ thuật trên trục đường Lê Lợi để khai thác hiệu quả các thiết chế bảo tàng phục vụ khách du lịch và người dân; mở rộng các khu ẩm thực kết hợp với hoạt động nghệ thuật cộng đồng ở một số khu vực trên đường Lê Lợi, khu phố đêm Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu, Chu Văn An. Ở phía đối diện bờ bắc sông Hương, Kỳ Đài được chiếu sáng vào ban đêm, tạo thêm các dịch vụ ẩm thực, bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.
Tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A đến rìa phía Tây - Nam của ranh giới Hòn Chén (một điểm du lịch tâm linh trên sông Hương); xây dựng và nâng cấp 5 bến thuyền trên sông Hương vào các điểm du lịch gồm: bến Bao Vinh, bến Than, bến số 5 Lê Lợi, bến Voi Ré - Hổ Quyền, bến Thanh Tiên; nâng cấp hai bến thuyền Cồn Tộc và Vĩnh Tu ở đầm phá Tam Giang; nâng cấp tuyến đường vào Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã dài 5,54km; xây dựng tại Đá Bạc một bến thuyền dài 70m...; hỗ trợ xây dựng các tuyến du lịch xuyên quốc gia kết nối các điểm du lịch của Hành lang kinh tế Đông Tây và khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn diện dọc hành lang kinh tế giữa các địa phương trong khu vực.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, năm 2018, Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu đón khoảng từ 4-4,2 triệu lượt khách, tăng 10-12% so với năm 2017; trong đó khách quốc tế chiếm từ 40-45%; doanh thu du lịch dự kiến đạt khoảng 4.000-4.200 tỷ đồng, tăng từ 15-16% so với cùng kỳ năm 2017...