So với đặc sản tôm khô, các loại cá khô, mắm cá biển và nhiều loài ốc, sò, vọp… ở rừng ngập mặn Cà Mau thì "ba khía muối" là món ăn đặc trưng còn mang đậm nét thời khẩn hoang của lớp cư dân đầu tiên đặt chân đến khai phá vùng đất này. Đặc biệt, ba khía muối Rạch Gốc ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã nổi tiếng khắp Nam bộ và được xuất khẩu sang những nước có cộng đồng người Việt sinh sống.
Con ba khía thuộc loài giáp xác, hình dáng và kích cỡ giống như con cua đồng, sống ở vùng nước mặn, ven sông rạch, nhất là dưới chân rừng ngập mặn Cà Mau, chúng đeo bám trên chang đước. Khoảng cuối tháng 5 âm lịch hàng năm, cư dân vùng rừng đước Năm Căn vào mùa khai thác ba khía và họ chỉ có cách bắt duy nhất là soi đèn, chụp ba khía bằng tay vào ban đêm.
Bắt được ba khía, cứ để nguyên trong giỏ, sau đó xóc rửa cho sạch bùn đất rồi đổ vào lu, khạp có nước muối khi chúng đang còn sống và đậy nắp kín lại. Từ khi muối cho đến lúc ăn được là năm ngày, đến ngày thứ mười là ngon nhất. Người sành ăn ba khía muối luôn chọn ba khía Rạch Gốc. Đây là món ăn mà hầu như không một người dân nào ở miền Tây Nam bộ không biết đến, đặc biệt còn là món khoái khẩu của nhiều người. Cách bắt và muối ba khía đơn sơ, không cầu kỳ, làm nên món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực thời khẩn hoang của cha ông xưa, khi họ đặt chân đến khai phá vùng đất phương Nam thì tạo hóa như có ý sắp bày.
G ia đình ông Nguyễn Văn Thua (Ba Thua) ở thị trấn Rạch Gốc (Ngọc Hiển) là cơ sở làm nghề muối ba khía nổi tiếng trong và ngoài tỉnh Cà Mau hàng chục năm qua. Với kinh nghiệm của mình, ông Ba Thua cho biết: Ba khía sống ở rừng ngập mặn rất nhiều, nhưng chỉ có xứ Rạch Gốc là ngon nhất. Vì nơi đây có rất nhiều trái đước, trái mắm tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ba khía nên chúng chắc thịt và có gạch quanh năm. Muối ba khía ngon phải vừa đúng độ mặn, nhưng vẫn giữ được hương vị thơm ngon của nó, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để thưởng thức cái vị “rừng - biển” của ba khía muối phải chế biến đúng cách, với gia vị gồm: chanh, đường, tỏi, ớt. Chọn năm, bảy con ba khía, trụng qua nước sôi, sau đó tách mai, xé nhỏ con ba khía ra trộn vào gia vị rồi đậy kín lại. Sau vài giờ đồng hồ cho gia vị thấm vào, nước từ trong tinh cốt con ba khía muối hòa lẫn vị chanh, đường, tỏi, ớt tạo nên món ăn mang hương vị đặc trưng, đặc biệt khó mà diễn tả hết được. Ba khía muối ăn kèm rau sống, thịt luộc, cá nướng với cơm thì không chê vào đâu được.
Hiện nay, bình quân mỗi ngày, cơ sở ba khía Ba Thua muối khoảng 500 kg ba khía tươi cung cấp cho thị trường. Ngoài tiền lãi trên dưới 500.000 đồng/ngày cho gia đình, cơ sở này còn giúp cho nhiều hộ nghèo sinh sống dưới tán rừng có thu nhập khá ổn định để trang trải trong cuộc sống từ nghề bắt ba khía. Cơ sở Ba Thua còn mở đại lý tại Cần Thơ để cung ứng sản phẩm ba khía muối cho các tỉnh lân cận theo đơn đặt hàng. Đặc biệt, tại siêu thị Metro Cần Thơ, khoảng 10 ngày là cơ sở cung ứng 1 tấn sản phẩm; một số đơn vị xuất khẩu trong và ngoài tỉnh Cà Mau còn chọn ba khía muối của cơ sở Ba Thua để xuất khẩu.
Biết rõ giá trị ẩm thực món ăn độc đáo từ con ba khía, huyện Ngọc Hiển đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu ba khía muối Rạch Gốc gắn với đầu tư phát triển làng nghề này, giúp món ngon ba khía Rạch Gốc ngày càng vươn xa, góp phần phục vụ phát triển du lịch sinh thái vùng đất chót cùng cực Nam Tổ quốc”.
Lê Huy Hải