Giảm xả rác ra môi trường
Tỉnh BR - VT đang tập trung phát triển du lịch xanh tại huyện Côn Đảo và huyện Xuyên Mộc. Hai huyện này được thiên nhiên ưu đãi khi có biển xanh, sạch, hệ thống rừng nguyên sinh… đủ điều kiện để phát triển các sản phẩm du lịch xanh.
Chung tay phát triển du lịch xanh, nhiều doanh nghiệp làm du lịch tại đây đầu tư các dụng cụ giảm thải rác khó tiêu huỷ ra môi trường như sử dụng các dụng cụ ăn uống bằng gỗ, sứ, thủy tinh; đầu tư máy lọc nước đặt tại phòng, phân loại rác thải và hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần... Bên cạnh đó, UBND huyện Côn Đảo còn tham gia mạng lưới đô thị giảm nhựa của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) trên toàn cầu từ tháng 3/2022 đến nay, với sự hỗ trợ của WWF Việt Nam trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2024.
Đại diện UBND huyện Côn Đảo cho biết, mục tiếu đến năm 2025, huyện sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường và không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Từ đó, Côn Đảo sẽ là đô thị thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình đô thị giảm nhựa trên toàn cầu. Đây cũng là mục tiêu để huyện hướng đến phát triển du lịch xanh và giữ chân nhiều du khách hơn.
Để đạt được mục tiêu trên, huyện luôn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của du khách, người dân và cộng đồng về giảm sử dụng túi nilon, nhựa sử dụng một lần thông qua Tuần lễ giảm nhựa, triển lãm “Du hí biển nhựa” kết hợp “Ngày hội đổi rác lấy quà”, thu gom rác trong khu sinh thái, rạn san hô, rừng ngập mặn… Những hoạt động này được người dân, du khách tích cực hưởng ứng và được triển khai hàng tháng.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết, so với các tỉnh thành khác trong cả nước, tỉnh BR-VT có huyện Côn Đảo đủ cơ sở để phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, huyện Côn Đảo muốn duy trì kết quả này vẫn cần phải xử lý lượng rác thải hàng ngày xả ra môi trường, nhất là rác thải nhựa; bởi loại rác thải này đang có tác động rất xấu đến hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường, làm mất đi cảnh quan đẹp, hấp dẫn của các điểm đến và gây phản cảm cho du khách.
Cụ thể, huyện Côn Đảo cần tiếp tục duy trì và tích cực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường bằng nhiều hành động thiết thực: không xả rác ra biển, phân loại rác tại nguồn trong các khách sạn, resort; tiếp tục tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển khi đi du lịch... Bên cạnh đó, huyện cần đầu tư hệ thống xử lý nước thải để bảo vệ tài nguyên, môi trường nước bền vững hơn; tiếp tục xây dựng hạ tầng sử dụng năng lượng tái tạo, hạ tầng sử dụng năng lượng sạch trong việc thu gom và tích trữ để có thể sử dụng trở lại nước mưa…
"Mặt khác, tỉnh BR-VT cũng cần ban hành kế hoạch hành động, huy động các cấp, ban ngành địa phương cùng tham gia bảo vệ môi trường xanh để tỉnh trở thành một điểm đến du lịch xanh, sạch và từ đó, tăng vị thế của tỉnh trong mắt du khách trong nước và du khách quốc tế", TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Kêu gọi đầu tư vào du lịch xanh
Hiện nay, khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với thiên nhiê. Nắm bắt xu hướng này, ngành du lịch tỉnh BR-VT cũng đang phát triển các sản phẩm du lịch theo giá trị văn hóa đặc sắc, sinh thái nguyên sơ, đồng thời kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch xanh...
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch BR - VT cho biết, du lịch xanh là một trong những tiêu chuẩn, xu hướng của thế giới và Việt Nam nên bắt buộc người làm công tác du lịch phải thực hiện phát triển sản phẩm du lịch xanh. Không chỉ thế, du lịch xanh được là xem tiêu chí đầu tiên du khách ưu tiên lựa chọn. Vì vậy, tỉnh BR-VT phải phát triển các sản phẩm du lịch hướng đến thiên nhiên, quan tâm đến bảo vệ trường nhiều hơn.
"Về lâu dài, tỉnh cũng đang chờ hướng dẫn của Chính phủ, Bộ, ngành ban hành các tiêu chí phát triển du lịch xanh để tỉnh tập trung phát triển theo đúng quy hoạch và bộ tiêu chí một cách thiết thực và hiệu quả... Tuy nhiên, trước mắt, tỉnh ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển loại hình du lịch xanh bền vững tại các điểm đến như: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu, Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) và Vườn quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo). Những sản phẩm du lịch xanh được kêu gọi đầu tư là các sản phẩm hướng tới bảo vệ với môi trường, xử lý được hệ thống nước thải, đưa du khách đến hơn gần với thiên nhiên...", bà Trần Thị Thu Hiền cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho biết, tỉnh xác định du lịch là 1 trong 4 trụ cột để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Theo đó, tỉnh xác định phát triển du lịch xanh đồng bộ theo các tiêu chí của Nhà nước, trong đó ưu tiên các sản phẩm du lịch phải đáp ứng các tiêu chí: trải nghiệm xanh, sản phẩm xanh, nơi ở xanh, đầu tư xanh, sử dụng năng lượng xanh...
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh BR-VT đã tích cực cải thiện năng lực quản lý lượng du khách tại các điểm đến trong thời điểm nhất định, tránh tình trạng quá tải; xác định rõ vai trò và trách nhiệm giữa khu vực công (cơ quan quản lý) và trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị cung cấp sản phẩm du lịch xanh, cộng đồng địa phương và cả du khách trong phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh truyền thông để thay đổi hành vi tiêu dùng, hướng du khách ưu tiên lựa chọn sản phẩm, tour tuyến du lịch xanh… khi đến với tỉnh.
Theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu đạt 12 triệu lượt khách. Tuy nhiên, tính đến tháng 10, tỉnh đã vượt con số này và đạt 13 triệu lượt khách. Vì vậy, ngành du lịch tỉnh dự kiến năm 2023, tỉnh sẽ đón 14 -15 triệu khách với những sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm du lịch xanh...