Nhiều khu, điểm du lịch thu hút du khách
Bắc Giang có vị trí địa lý gần Thủ đô Hà Nội, sân bay, cảng biển, cửa khẩu quốc tế; được kết nối với các trung tâm kinh tế, du lịch trong nước (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên) và các trung tâm kinh tế, du lịch vùng Đông Nam Trung Quốc (Bằng Tường, Nam Ninh) bởi các tuyến giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy. Địa phương còn sở hữu nhiều tài nguyên du lịch nhân văn, tự nhiên rất có giá trị có thể khai thác, phát triển du lịch văn hóa - tâm linh, lịch sử - văn hóa, sinh thái - nghỉ dưỡng...
Địa hình nơi đây đa dạng, có sự kết hợp giữa vùng đồng bằng và vùng núi cao tạo nên những cảnh quan thiên nhiên đẹp, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, khám phá, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, nổi bật như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (Sơn Động) có diện tích gần 12.265,1 ha (trong đó rừng tự nhiên là 11.766,24 ha) là khu vực tiếp giáp núi Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) - nơi đây có nhiều cảnh đẹp hấp dẫn. Khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ (Sơn Động) có diện tích 7.153 ha (trong đó diện tích rừng tự nhiên 5.092 ha) còn giữ nguyên nét hoang sơ với nhiều cảnh quan đẹp như: Vũng Tròn, cây Đa cổ thụ, thác Ba Tầng cùng nhiều dòng suối. Khu Du lịch sinh thái suối Mỡ, huyện Lục Nam có những dòng thác quanh năm tung bọt trắng xóa, nổi tiếng với đền Suối Mỡ linh thiêng (đền Hạ, đền Trung và đền Thượng)...
Là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, Bắc Giang hiện có 2.237 di tích lịch sử, văn hóa trải khắp trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó có 735 di tích đã được xếp hạng, gồm: 5 di tích và cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt, 93 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 608 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Đến nay, địa phương đã hình thành một số khu, điểm du lịch tại thành phố Bắc Giang và một số huyện như: Khu Du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử tại huyện Sơn Động, Khu Du lịch sinh thái Bản Ven, huyện Yên Thế. Các khu dịch vụ, lưu trú khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 3 sao tại thành phố Bắc Giang, huyện Việt Yên, huyện Lục Nam; hình thành mô hình các hợp tác xã du lịch cộng đồng gắn vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn… Bước đầu, tỉnh xây dựng, hình thành sản phẩm du lịch “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”.
Bắc Giang đã cơ bản hình thành và khai thác có hiệu quả 4 không gian du lịch trọng tâm của tỉnh gồm: Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Lục Ngạn - Sơn Động; Không gian du lịch Tây Yên Tử gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” (huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng); Không gian du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả và chè bản Ven (huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế); Không gian du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch golf (huyện Yên Dũng, Việt Yên, Lục Nam). Tỉnh đang tích cực triển khai, phấn đấu hình thành và khai thác hiệu quả không gian du lịch, vui chơi giải trí, kinh tế ban đêm (tại thành phố Bắc Giang và huyện Việt Yên) trong thời gian tới.
Đến Bắc Giang, du khách không chỉ tham quan các di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, du lịch dã ngoại tại các Khu Bảo tồn thiên nhiên, các hồ, thác nước... mà còn được thưởng thức các đặc sản tươi, ngon, hấp dẫn như: vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mì Chũ...
Huy động nguồn lực phát triển du lịch
Tỉnh đã quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành Du lịch, giúp Bắc Giang trở thành một điểm đến mới, hấp dẫn du khách.
Từ năm 2021 đến nay, địa phương đã công nhận thêm 4 điểm du lịch; nâng tổng số khu, điểm du lịch được công nhận trên địa bàn lên 13 điểm. Toàn tỉnh có 445 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, trong đó có , 10 khách sạn 3 sao, một khách sạn 4 sao.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ phát triển du lịch ở Bắc Giang triển khai còn chậm như: Quy hoạch Khu Du lịch cấp Quốc gia Tây Yên Tử (từ Tây Yên Tử đến Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ và chùa Vĩnh Nghiêm); quy hoạch Khu Du lịch rừng Sơn Động gắn với biển Hạ Long... Sản phẩm du lịch của tỉnh tuy đã cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sản phẩm có thương hiệu đặc trưng cho du lịch địa phương. Tỉnh còn thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, hoạt động kinh tế đêm mua sắm để giữ chân và tăng mức chi tiêu của du khách. Chất lượng các khu, điểm lưu trú, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn thấp. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu chuyên nghiệp…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Sơn chia sẻ, từ nay đến năm 2025, Bắc Giang chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch du lịch; sớm quy hoạch các khu, điểm du lịch tiềm năng để quản lý và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Địa phương tích cực xây dựng, hình thành 4 sản phẩm du lịch chính là: Du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Đồng thời, tỉnh tích cực mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư các dự án lớn, xây dựng các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại cao cấp; các công trình văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch; tổ chức tốt các hoạt động mỗi xã một sản phẩm, các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng Khu Du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử; hình thành sản phẩm du lịch “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”; hình thành hai khu phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm tại thành phố Bắc Giang và một số địa phương; cải tạo, xây dựng các khu vực trồng hoa đặc sắc theo chủ đề và theo các mùa trong năm tại Công viên Hoàng Hoa Thám. Địa phương kêu gọi thu hút đầu tư 5 sân golf, ít nhất một khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn 5 sao; công nhận được một khu du lịch cấp tỉnh (Khu Du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử), 8 điểm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, nâng tổng số thành hai khu du lịch cấp tỉnh, 20 điểm du lịch. Năm 2025, toàn tỉnh đặt mục tiêu thu hút được 3 triệu lượt khách du lịch; doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho 6.000 lao động...