Tái xuất hiện hành vi không đẹp
Từ khi mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022, các luồng khách quốc tế đang dần vào Việt Nam theo nhiều hình thức khác nhau. Cùng với đó là hoạt động du lịch nội địa nhộn nhịp kéo theo các dịch vụ trở nên sôi động, nhất là tại các thành phố trung tâm như Hà Nội. Bên cạnh mặt tích cực, những mặt trái của sự phục hồi du lịch cũng nảy sinh như hoạt động chèo kéo khách, rác thải, ô nhiễm môi trường, dịch vụ không như quảng cáo…
Thông tin được dư luận chú ý gần đây là vào rạng sáng 10/7, hai người đàn ông ngoại quốc, hiện chưa xác định danh tính, có biểu hiện say rượu, to tiếng với nhóm người Việt Nam đang ngồi tại vỉa hè. Một lát sau, hai bên xảy ra xô xát. Sự vụ xô xát này được một người dân quay lại và đưa lên mạng xã hội. Đại diện Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, qua việc nắm bắt thông tin trên mạng xã hội, đơn vị đang xác định, làm rõ, xử lý nghiêm vụ việc xô xát giữa một nhóm thanh niên với một người nước ngoài tại phố Hàng Buồm. Theo hình ảnh clip ghi lại, một nhóm khoảng 3 người đàn ông đã dùng ghế nhựa, chai bia liên tục tấn công một người nước ngoài. Vị khách nước ngoài cũng xông vào đấm lại một trong số 3 người đàn ông kia trước khi rời đi.
Sau vụ ẩu đả, các bên không trình báo với công an phường. Song do tính chất của sự việc liên quan đến người nước ngoài, Công an quận Hoàn Kiếm đã lập hồ sơ những người liên quan và làm rõ nguyên nhân.
Trước đó, theo Sở Du lịch Hà Nội, hồi 15 giờ ngày 1/7/2022, Sở Du lịch Hà Nội nhận được thông tin phản ánh của khách sạn Apricot Hà Nội (tại 136 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) về việc một khách nước ngoài đi taxi từ khu vực hồ Hoàn Kiếm đến khu đô thị tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), biển số xe taxi là 30A-78062 và phải trả 400.000 đồng, cao hơn so với quy định. Sau khi nhận phản ánh, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội đã có văn bản chuyển thông tin phản ánh của khách du lịch đến Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội để được xem xét, giải quyết. Qua rà soát, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội xác định xe taxi BKS 30A-780.62 đã thu quá giá cước đối với bà Dabrowska Malgorzata, quốc tịch Ba Lan. Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính với lái xe taxi là bà Phạm Thị Ngọc và yêu cầu trả lại số tiền, xin lỗi du khách.
Còn vào ngày 5/5, khoảng 3 giờ sáng, Công an quận Hoàn Kiếm nhận thông tin 2 du khách người Nga bị lái xe taxi chiếm đoạt điện thoại tại khu vực đường Hàng Bông. Sau khi xác minh, đến trưa cùng ngày, Công an quận Hoàn Kiếm đã làm rõ người lái xe taxi có hành vi trên là Trần Quốc Hưng, sinh năm 1988 (Nam Định). Hưng đã giao nộp 2 chiếc điện thoại của 2 nữ du khách. Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã trao trả tài sản cho 2 du khách người Nga ngay trong ngày.
Những vụ việc liên quan đến khách nước ngoài thời gian qua cho thấy, từ khi mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022, những mặt trái của hoạt động du lịch đã tái xuất hiện. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA travel, Phó Chủ tịch CLB du lịch Thủ đô cho biết: Những tiêu cực và mặt trái của hoạt động du lịch đã có từ lâu. Trước khi xảy ra dịch COVID-19, những hoạt động chèo kéo, bán hàng giá cao, “chặt chém” khi đi taxi… cũng đã diễn ra và được báo chí phản ánh. Cơ quan quản lý cũng nhiều lần phải vào cuộc, thậm chí mở các đợt truy quét nhưng vẫn ngấm ngầm hoạt động. Theo phản ánh của đơn vị làm du lịch trong phố cổ Hà Nội, hoạt động chèo kéo khách mua hàng cũng đã xuất hiện tại khu vực phố cổ Hà Nội thời gian gần đây khi hoạt động du lịch sôi động trở lại.
“Sự việc xô xát giữa một nhóm thanh niên và du khách nước ngoài và qua cũng là lời cảnh báo về văn hoá ứng xử tồn tại giữa cư dân bản địa và du khách quốc tế đang trong giai đoạn du lịch phục hồi và cần có giải pháp để hiện tượng này không tái diễn. Để làm được điều này, vai trò của chính quyền địa phương của điểm đến du lịch có tính quyết định đi cùng với công tác tuyên truyền”, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết.
Ứng xử có văn hoá
Để hạn chế những mặt trái khi phát triển du lịch này, từ tháng 3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch trên quy mô cả nước; trong đó quy định cụ thể những điều cần làm đối với từng đối tượng tham gia hoạt động du lịch.
Còn tại Hà Nội cũng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng vào tháng 3/2017 sau hơn 5 năm lấy ý kiến chuyên gia, cộng đồng. Sau khi 2 Bộ quy tắc ứng xử này được ban hành cùng thời điểm năm 2017, PGS.TS Phạm Hồng Long, trưởng khoa Du lịch (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đã được Sở Du lịch Hà Nội mời giảng tập huấn cho cán bộ cơ sở. “Cả 2 bộ quy tắc này khi xác định liên quan đến hành vi ứng xử với du khách đều có những điểm chung mang tính quy tắc trong giao tiếp, ứng xử như thân thiện, không gây gổ, dùng bạo lực…”, PGS.TS Phạm Hồng Long, cho biết.
Từ góc độ nghiên cứu, PGS.TS Phạm Hồng Long cho biết: “Khảo sát tại nhiều điểm du lịch, thời kỳ ban đầu khi ít khách (cả khách quốc tế lẫn khách nội địa), cư dân bản địa vẫn giữ được vẻ chất phác, thân thiện, hiếu khách. Tuy nhiên, khi khách đến đông sẽ dẫn tới mâu thuẫn từ nhiều khía cạnh như môi trường, tiếng ồn, giao thoa văn hoá dẫn đến những sự pha tạp, lai căng… Khi đó, người dân sẽ chỉ nhìn về khía cạnh kinh tế. Với người dân phố cổ Hà Nội, khi lượng khách trở nên đông thì hoạt động của khách du lịch trở nên quen thuộc và họ thấy bình thường như chính cư dân bản địa. Điều này cũng sẽ đẫn đến ứng xử như cư dân bản địa”.
“Mâu thuẫn sẽ xảy ra khi gắn với lợi ích kinh tế và áp lực du khách đông. Điều này cần sự điều phối của cơ quan quản lý Nhà nước trong điều phối hoạt động du lịch như giãn bợt lượng khách qua các điểm lân cận. Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng dân cư, các tổ chức sau 2 năm bị ảnh hưởng COVID-19 khiến du lịch “đóng băng” và có phần mai một về thông tin của Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch và Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội”, PGS.TS Phạm Hồng Long nhận định.
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, nếu quan sát sự việc qua video và thông tin từ cơ quan chức năng có thể thấy để xảy ra vụ việc là điều đáng tiếc. Là chủ nhà mà gây hấn với khách là điều không nên. Trong khi đó, về phía du khách cũng phải xem xét lại vì thực tế những khách quốc tế đi lẻ rất có kinh nghiệm đi du lịch. Những tình huống này họ sẽ báo với chính quyền địa phương để giải quyết khi xảy ra mâu thuẫn. Do đó, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong xử lý tình huống phát sinh trong đời sống giữa du khách và cư dân. Trên thế giới, những tình huống này xảy ra rất nhiều và nhiều nơi lập bộ phận cảnh sát du lịch để giải quyết.
“Trên cả nước, bộ quy tắc ứng xử với du khách được nhiều nơi thực hiện và đi vào thực chất, đơn cử như tại Đà Nẵng. Còn nhiều nơi khác, việc tuyên truyền vẫn mang tính hình thức. Do đó, trong quá trình phục hồi du lịch và đang đón mùa cao điểm khách quốc tế từ tháng 9, các điểm đến du lịch Hà Nội, nhất là khu phố cổ là trung tâm giao lưu với nhiều hoạt động về đêm sớm tái khởi động tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch và đối với Hà Nội là bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Việc tuyên truyền cần đẩy mạnh từ các bên người làm du lịch, cư dân của điểm đến và cả chính du khách”, ông Nguyễn Tiến Đạt đề nghị.
Trong khi đó, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Hà Nội cũng cho rằng, thời gian qua, Hà Nội và cả nước đã nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để thu hút khách quốc tế nên sự việc liên quan đến hình ảnh không đẹp trong ứng xử lan truyền trên mạng xã hội về xô xát giữa du khách và cư dân tại phố cổ, nạn chèo kéo khách cần được xử lý kiên quyết.
"Bên cạnh đó, Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng với các phương pháp tiếp cận khác nhau để mang lại hiệu quả. Trong đó, việc tuyên truyền với cư dân tại các điểm du lịch triển khai thông qua tổ dân phố, đoàn thể. Còn với du khách, việc thực hiện tuyên truyền đẩy mạnh qua đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên và thông tin được phổ biến khi nhập cảnh. Bên cạnh đó, chính quyền các nơi có điểm du lịch có thể tổ chức các cuộc thi, vinh danh những hành động đẹp để lan toả. Với đồng bộ giải pháp từ cơ sở mới tạo nền tảng vững chắc cho thu hút khách và phát triển du lịch bền vững”, ông Phùng Quang Thắng gọi ý.
Theo PGS. TS Phạm Hồng Long, tuy ban hành vào cùng thời điểm tháng 3/2017 nhưng bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội được đề xuất từ trước đó khoảng 5-6 năm để lấy ý kiến chuyên gia, người dân hướng đến từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại.
Bộ quy tắc này đề ra việc nên làm như : “Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực”… và việc không nên làm như: Nói to, gây ồn ào, mất trật tự; Kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực….
Trong bộ quy tắc cũng dành riêng điều 11 quy định tại khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan cũng nêu: Không chen lấn, xô đẩy, gây rối.
Còn trong bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch mang tính chuyên ngành này cũng đã quy định: Với du khách ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự nơi công cộng, vui chơi lành mạnh; giữ gìn, bảo vệ công trình văn hóa, kiến trúc, cảnh quan khi đi du lịch; không chen lấn, xô đẩy, gây ồn ào mất trật tự và có hành vi bạo lực khi đi du lịch. Những điều cần làm đối với cộng đồng dân cư cũng quy định: Lịch sự, nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện với khách du lịch; Nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ du khách khi có yêu cầu; Giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi giải quyết sự cố đối với khách du lịch….
Việc triển khai các quy tắc ứng xử văn minh du lịch và ứng xử nơi công cộng được triển khai đồng bộ tại các điểm du lịch Hà Nội góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Bài 2: Xây dựng môi trường trong sạch đẻe phát triển du lịch bền vững