Trong những ngày nắng nóng, dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần, các bãi biển của thành phố luôn đông kín người. Vì vậy, công việc của những nhân viên cứu hộ bãi biển tại các bãi tắm ở Sầm Sơn vất vả hơn.
Từ sáng sớm, tại các bãi biển đã có rất đông người dân, du khách tắm biển và tập luyện thể dục, thể thao. Để bảo đảm an toàn cho du khách và nhân dân, đều đặn từ 5 giờ 30 phút mỗi ngày, các thành viên Đội Cấp cứu biển Sầm Sơn đã có mặt tại bãi biển, phân chia lực lượng ứng trực tại các chòi canh để quan sát, nhắc nhở, cảnh báo du khách không tắm quá xa; đồng thời kịp thời phát hiện người vào vùng tắm nguy hiểm hoặc bị đuối nước để kịp thời ứng cứu. Trên các bãi tắm, cứ vài chục mét lại có nhân viên cứu hộ, điều này đã thực sự đem lại sự hài lòng và an toàn cho du khách.
Chị Nguyễn Thị Huệ (du khách đến từ thành phố Bắc Ninh) chia sẻ, nhiều năm nay, chị và gia đình lựa chọn Sầm Sơn vì đây là điểm đến hấp dẫn và an toàn. Tai nạn đuối nước là nỗi lo không của riêng ai và không ai lường trước được điều gì. Thế nhưng, chị cảm thấy yên tâm khi đưa gia đình đến Sầm Sơn tắm biển vì trên bờ luôn có lực lượng cứu hộ. Với màu áo đỏ, còi, phao cứu hộ cùng với tinh thần làm việc trách nhiệm, lượng cứu hộ bãi biển Sầm Sơn đã ghi điểm trong lòng du khách.
Là người gắn bó với nghề hơn chục năm nay, anh Nguyễn Văn Chung cho biết, từ sáng sớm đến khoảng 15 giờ là thời gian trực luân phiên, còn từ 15 giờ đến 18 giờ, gần như cả đội đều có mặt do đây là thời điểm lượng khách tắm biển tăng cao nhất. "Mùa cao điểm, khách đông rất vui nhưng chúng tôi lo lắm, anh em luôn ý thức và nhắc nhở nhau cẩn trọng ứng trực, không thể chậm trễ khi phát hiện có người đuối nước, luôn trong tư thế sẵn sàng xuống biển", anh Chung chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Đức, Tổ trưởng Tổ cứu hộ bãi A - Đội Cấp cứu biển Sầm Sơn cho hay, hằng ngày, các thành viên của Đội làm việc hết công suất, tập trung quan sát, thổi còi, vẫy cờ báo hiệu nhắc nhở du khách và kịp thời cứu người gặp rủi ro, nguy hiểm trên biển. Đội còn thường xuyên tuyên truyền để người dân và du khách ý thức tắm biển ở khu vực an toàn và thực hiện khung giờ theo quy định.
Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thành phố Sầm Sơn, từ đầu mùa du lịch đến nay, các thành viên trong Đội cấp cứu biển Sầm Sơn đã hỗ trợ đưa lên bờ hơn 100 trường hợp có nguy cơ bị đuối nước; đồng thời cứu nạn và sơ cấp cứu kịp thời cho hơn 20 trường hợp đuối nước trên bãi biển. Chưa có trường hợp nào tử vong do đuối nước tại biển Sầm Sơn.
Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra đối với du khách và để công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu biển đảm bảo yêu cầu, trước mùa du lịch, thành phố Sầm Sơn thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao kỹ năng, kiến thức về công tác cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu cho thành viên đội cứu hộ; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác cứu hộ như thiết bị y tế, cờ, phao tiêu, ô che nắng chòi canh, biển báo, rà soát các bãi tắm để cảnh báo những khu vực nguy hiểm...Các quy định về cứu hộ tắm biển và tìm kiếm trẻ lạc, người già; nội quy tắm biển và các quy định của thành phố được thông báo rộng rãi, thường xuyên trên hệ thống phương tiện truyền thanh bãi biển để nhân dân và du khách biết, nghiêm chỉnh chấp hành.
Đội cấp cứu biển Sầm Sơn có 43 thành viên và được chia thành 5 tổ cơ động khắp các bãi tắm. Khu vực gần bờ thành phố Sầm Sơn bố trí 4 tổ trực ở các bãi tắm A, B, C, D (tổ 1 từ chân đền Độc Cước đến đường Tây Sơn; tổ 2 từ đường Tây Sơn đến đường Tống Duy Tân; tổ 3 từ đường Tống Duy Tân đến đường Hai Bà Trưng; tổ 4 từ đường Hai Bà Trưng đến giáp khu du lịch Vạn Chài). Riêng tổ 5 là khu vực xa bờ, được trang bị mô tô nước, tàu tuần tra và dải cờ phao tiêu. Bên cạnh đó, công tác sơ cấp cứu cũng được bố trí tại 5 chốt ở các bãi tắm A, B, C, D và Trung tâm Sơ cấp cứu Hội Chữ thập đỏ thành phố Sầm Sơn. Theo quy định, cứ 40 - 50 mét sẽ có một nhân viên cứu hộ đứng quan sát, nếu phát hiện sự cố, nhân viên cứu hộ sẽ khẩn trương ứng cứu và thông báo tới các lực lượng phối hợp như: thuyền cứu hộ, nhân viên y tế, tổ cứu nạn cứu hộ (Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Thanh Hóa)... Vào thời gian cao điểm (từ ngày 11/4 đến ngày 10/9/2023), lực lượng cứu hộ được huy động 100% quân số, trực từ 5 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút hàng ngày.
Ông Dương Đức Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thành phố Sầm Sơn khẳng định, an toàn trong tắm biển cho người dân và du khách là nhiệm vụ quan trọng của một đô thị du lịch biển. Do đó, công tác đảm bảo an toàn cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu biển luôn được thành phố Sầm Sơn đặc biệt quan tâm. Không như một số hoạt động khác được tái thiết lập trong mùa du lịch, công tác cứu hộ, cứu nạn và sơ cấp cứu biển được thành phố duy trì liên tục trong năm. Thời gian, địa giới tắm biển được quy định rõ theo từng thời điểm và lực lượng cứu hộ luôn duy trì hoạt động ứng trực. Tất cả với mong muốn đem lại sự hài lòng và an toàn cho du khách, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố biển Sầm Sơn - điểm đến an toàn, sạch đẹp, văn minh, hiện đại.