Trong đó, một số nghề thủ công truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bảo tồn, phát huy nét đẹp của các di sản văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là việc làm cần thiết, đòi hỏi sự chung tay của ngành chức năng và cộng đồng dân cư ở chính nơi sản sinh ra di sản.
Là nơi hội tụ đặc trưng chung của văn hóa dân tộc, vùng đất phương Nam với điều kiện đặc thù về khí hậu, địa lý gắn với đời sống lao động của cộng đồng dân cư cũng đồng thời hình thành nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, được tích hợp qua thời gian, kế thừa và phát triển, trở thành những di sản văn hóa.
Nét văn hóa phương Nam
Hiện nay, ở Nam Bộ, có thể kể đến nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia liên quan đến nghề thủ công truyền thống như: Nghề làm sơn mài ở làng nghề Tương Bình Hiệp (Bình Dương); nghề làm bánh tráng Trảng Bàng (Tây Ninh); nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) hay nghề làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc (Kiên Giang); nghề muối ba khía, nghề gác kèo ong của người dân tỉnh Cà Mau.
Tại Đồng Tháp, làng nghề dệt chiếu Định Yên nằm cạnh sông Hậu, thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò đã hình thành từ hàng trăm năm trước với nét độc đáo được thể hiện ngay từ nguyên liệu để làm nên chiếc chiếu là từ những cây bố, cây lác. Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, sản phẩm của làng nghề dệt chiếu này rất đa dạng, có những cái tên ấn tượng như chiếu vảy ốc, chiếu bông, chiếu con cờ, chiếu trắng, chiếu cổ... Đặc biệt, trước đây, làng nghề còn có chợ chiếu thường họp vào nửa đêm bên dòng sông Hậu mà nhiều người quen gọi là "chợ ma", phù hợp với tập quán giao thương bằng ghe thuyền từ sáng sớm đã chở đầy những chiếc chiếu đi bán khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí qua cả nước bạn Campuchia, làm nên nét văn hóa làng nghề đặc sắc của vùng sông nước phương Nam.
Bạc Liêu lại có Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nghề làm muối, kết tinh từ tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người dân địa phương qua các thế hệ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Xuân Thu Vân cho biết, Bạc Liêu nổi tiếng là địa phương có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối, tập trung nhiều nhất ở các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và các xã Long Điền Đông, Điền Hải, Long Điền Tây (huyện Đông Hải). Hạt muối Bạc Liêu xưa thường được gọi là muối Ba Thắc (từ cổ chỉ vùng đất Nam sông Hậu). Ngày nay, muối Bạc Liêu vẫn giữ được nét riêng là hạt muối mặn nhưng vẫn có vị "ngọt hậu", không mặn chát. Theo các diêm dân ở đây, đó là do đặc thù điều kiện tự nhiên khác biệt của vùng đất, vùng biển Bạc Liêu.
Nghề làm muối còn phản ánh một phần lịch sử khai phá vùng đất Bạc Liêu trong tiến trình cha ông đi mở đất phương Nam, công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Vì vậy, nghề làm muối tạo ra sản phẩm không chỉ là hàng hóa đơn thuần mà còn phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, điều kiện tự nhiên khác biệt một vùng đất và các thế hệ người dân nơi đây.
Nằm ở địa đầu phía Nam Tổ quốc, vùng đất Cà Mau lại nổi tiếng với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề muối ba khía và nghề gác kèo ong, được hình thành từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, gắn bó với người dân tự bao đời. Theo anh Lê Minh Tỵ ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, các bậc cao niên ở địa phương đều khẳng định, ba khía muối là món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực từ thời khẩn hoang của người dân vùng đất này. Con ba khía trông gần giống con cua đồng nhưng sống ở vùng nước mặn, nước lợ, nhiều nhất là dưới chân rừng ngập mặn và có 3 gạch ở phần lưng nên được gọi là ba khía. Sản phẩm ba khía muối với mùi thơm dịu có sự hòa quyện cùng các loại gia vị tạo nên hương vị đậm đà rất riêng, trở thành đặc sản mà du khách có dịp đến Đất Mũi Cà Mau khó có thể bỏ qua.
Cũng ở Cà Mau, nghề gác kèo ong của người dân vùng rừng U Minh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bởi những nét riêng xuất phát từ kinh nghiệm dân gian được truyền qua nhiều thế hệ người dân ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Gác kèo sao cho khéo léo để ong về làm tổ, cho nhiều mật ngọt giữa rừng tràm bạt ngàn và tổ chức khai thác mật (thường được gọi là "ăn" ong) theo hai mùa ong hạn, ong nước, tương ứng với mùa khô, mùa mưa ở rừng tràm với dụng cụ rất độc đáo, những người thợ gác kèo ong đã đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa của đất nước một nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất U Minh.
Bảo tồn để phát triển
Các chuyên gia cho rằng, bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là cất giữ mà là để phát triển, khai thác giá trị văn hóa truyền thống làm cho nó có thể sống lại, làm cho các giá trị đó tồn tại trong đời sống thực. Phát huy các giá trị di sản là để đưa giá trị văn hóa đến với cộng đồng, giúp cộng đồng phát triển kinh tế và đáp ứng công tác bảo tồn di sản văn hóa hoàn thiện hơn; đồng thời kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hóa của đời trước để lại, làm cho giá trị của di sản thấm sâu, lan tỏa vào đời sống cộng đồng.
Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, nhất là các di sản văn hóa phi vật thể đòi hỏi mỗi địa phương, nhất là chủ thể trực tiếp thực hành di sản có nhận thức đúng, trân trọng và chắt lọc, gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc nhất, tạo sức sống lâu bền cho di sản. Với quan điểm đó, tại nhiều địa phương ở Nam Bộ, những năm qua, Luật Di sản văn hóa đã được thực hiện một cách cụ thể, thiết thực, coi trọng việc tuyên truyền đến người dân nơi có di sản, nêu cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong bảo tồn, phát huy giá trị từng di sản.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện tỉnh có 26 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 3 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là nghề dệt chiếu xã Định Yên, huyện Lấp Vò, nghề đóng xuồng, ghe ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung và nghệ thuật hò Đồng Tháp. Thời gian qua, Đồng Tháp đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn các di sản như xây dựng phim tư liệu đối với nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu, nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên, hò Đồng Tháp - dân ca Đồng Tháp, mở lớp truyền nghề, thực hành di sản. Các di sản phi vật thể là nghề truyền thống, gắn với đời sống, sinh kế hàng ngày của người dân, tỉnh chú trọng nhân rộng mô hình sản phẩm làng nghề, gắn kết hoạt động của làng nghề với du lịch, khuyến khích sự sáng tạo, da dạng sản phẩm từ chính nghề truyền thống đã được công nhận là di sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân cho biết, với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm muối, tỉnh xác định các biện pháp bảo tồn và phát triển di sản xuất phát từ đặc trưng của nghề thủ công truyền thống gắn với đời sống dân gian. Đó là, trải qua hơn 100 năm phát triển, nghề làm muối ở Bạc Liêu thường được bảo tồn, truyền nghề bởi những nhóm người có cùng đặc điểm chung như trong một gia đình, dòng họ… Hình thức truyền nghề chủ yếu bằng cách quan sát, hướng dẫn qua lời nói, bắt chước, thực hành và được sáng tạo khéo léo để thích nghi với những yếu tố biến đổi như thời tiết, khí hậu để tồn tại, phát triển.
UBND tỉnh giao chính quyền các huyện Đông Hải, Hòa Bình sớm triển khai xây dựng Đề án, Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề làm muối ở Bạc Liêu, trong đó chú trọng xây dựng giải pháp mở rộng diện tích làm muối, nâng cao chất lượng muối, đặc biệt, tập trung nâng đời sống người làm muối trên địa bàn. Các ngành chức năng xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người làm muối ổn định cuộc sống; tăng cường hướng dẫn và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng muối, giúp bà con làm nghề an tâm gắn bó, tiếp tục trao truyền cho thế hệ sau.
Từ góc độ là người dân ở nơi có nghề truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia, anh Lê Minh Tỵ ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) chia sẻ, anh rất tự hào khi giới thiệu về đặc sản ba khía muối cho du khách khi đến Điểm dừng chân dịch vụ-du lịch Tư Tỵ, do anh làm chủ. Nghề đi soi bắt và muối ba khía, chế biến các sản vật của đất Mũi Cà Mau kết hợp với làm dịch vụ du lịch, giới thiệu đến du khách về nghề truyền thống ở địa phương đã giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định trong nhiều năm nay.
Bài cuối: Định vị sản phẩm du lịch