Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế được công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 2009, nơi đây có hệ thống nhà rường hàng trăm năm tuổi. Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của nhiều nhà rường cổ, chính quyền địa phương đã nỗ lực để trùng tu và bảo tồn nhà rường, gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế.
Một ngôi nhà rường cổ ở làng Phước Tích đang được trùng tu, sửa chữa phần nội thất. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Hiện tại, làng Phước Tích có 26 ngôi nhà rường cổ. Trải qua biến cố thời gian, các nhà rường đã xuống cấp trầm trọng, tỷ lệ xuống cấp bình quân đến 35%. Hệ thống mái kèo, đòn tay, rui và vách tường của nhiều ngôi nhà bị đổ nát, gây khó khăn cho người dân ở đây, nhất là về mùa mưa bão. Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định về việc thẩm định hồ sơ tu bổ miếu Thế Lại Thượng, đình Quy Lai và các hạng mục thuộc làng cổ Phước Tích, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt tay để thực hiện trùng tu, phục dựng nguyên trạng.
Trong năm 2017, làng Phước Tích đã có 3 nhà rường được hỗ trợ kinh phí sửa chữa từ Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” của tỉnh Thừa Thiên - Huế với kinh phí 1,9 tỷ đồng.
Theo đó, các hạng mục thay thế và tu bổ tại 3 nhà rường này gồm: thay thế các cột, rui, đòn tay bị xuống cấp, mối mọt; phục hồi hệ thống cửa đi, cửa sổ bị hư hỏng; tu bổ phục hồi hoa văn các kết cấu gỗ như kèo, đòn tay, lợp lại mái nhà bằng ngói liệt; lát mới gạch nền, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng… Hiện nay, các nhà rường đã được bàn giao và đưa vào sử dụng, nhiều gia đình rất phấn khởi.
Bà Lê Thị Hoa, một hộ dân được hỗ trợ kinh phí tu bổ ngôi nhà rường hơn 150 năm tuổi cho biết: Nhà cửa xuống cấp, tôi cũng đã ngoài 75 tuổi nên không có khả năng để tự sửa nhà. Được chính quyền hỗ trợ sửa chữa, tôi rất vui vì có thể bảo vệ được nhà mà tổ tiên để lại, vừa có nơi thờ tự vừa để lại cho con cháu mai sau.
Một ngôi nhà rường cổ ở làng Phước Tích. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Ông Đoàn Quyết Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý làng cổ Phước Tích cho biết: Trong hai năm trở lại đây, việc trùng tu nhà rường cổ được quan tâm. Sau khi bàn giao xong 3 nhà rường đợt đầu tiên, Ban Quản lý đã xin chủ trương, lập hồ sơ tiếp tục trùng tu nhà rường trong năm 2018.Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý cho phép trùng tu 5 nhà. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo 5 nhà rường trên.
Nguồn kinh phí để sửa chữa các nhà rường là 7 tỷ đồng, trong đó, 3 tỷ đồng từ nguồn vốn mục tiêu văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 3 tỷ đồng từ Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” năm 2018 và 1 tỷ đồng từ vốn kết dư năm 2017. Qua cân đối nguồn vốn, Ban Quản lý tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền xin trùng tu thêm 3 nhà trong năm 2018. Từ nay đến năm 2020, địa phương phấn đấu hoàn thành trùng tu 25 ngôi nhà rường ở làng Phước Tích.
Việc trùng tu các nhà rường không chỉ là bảo tồn giá trị văn hóa, kiến trúc đặc trưng mà còn tạo thêm điểm nhấn để phát triển du lịch. Sau khi các nhà cổ được bàn giao và đưa vào sử dụng, nhiều công ty lữ hành, du lịch đã đặt vấn đề về việc xây dựng mô hình homestay. Làng cổ Phước Tích là điểm khám phá văn hóa làng quê Việt hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Hiện làng đã triển khai 9 loại dịch vụ gồm tham quan nhà vườn, homestay, trải nghiệm làm bánh, làm gốm, đạp xe đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng và tham quan du lịch. Làng Phước Tích hiện có 7 nhà vườn tham gia dịch vụ nhà vườn cổ, trong đó có 4 nhà tham gia dịch vụ homestay với khoảng 40 chỗ ở. Trong năm 2017, làng cổ đã đón gần 2.700 khách du lịch đến tham quan, góp phần tăng thu nhập cho bà con nơi đây.