Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng chế tác diều. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Nghệ nhân diều Huế Nguyễn Văn Hoàng diễn giải, người Huế mê thả diều, nhất là những chiều hè, khu vực Đại Nội lại rực rỡ những cánh diều. Trẻ em nô đùa với cánh diều, thả bao điều ước mơ từ tuổi thơ. Những người nghệ nhân góp nhặt tuổi thơ, để cùng với thời gian sáng tạo ra những cánh diều muôn sắc màu cùng đua bay trên bầu trời trong xanh. Tiếng sáo vi vu, âm thanh phát ra từ những cánh diều no gió, tạo cho Huế một cảm giác rất thanh bình.
Đối với nghệ nhân diều Huế Nguyễn Văn Hoàng, ngoài niềm đam mê thả diều từ thuở bé, anh còn thừa hưởng truyền thống khi sinh ra trong một gia đình có bề dày 4 đời làm diều. Ông nội anh là Nguyễn Văn Bân, một trong những tay diều "cự phách"; nhưng cha anh là Nguyễn Văn Bê, mới là người trực tiếp dạy cho anh các kỹ thuật chế tác diều từ đơn giản đến phức tạp. Ông Nguyễn Văn Bê nguyên là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Diều Huế, năm nay dù đã 91 tuổi nhưng vẫn luôn quan tâm, dõi theo và góp ý cho các sản phẩm diều do anh thiết kế hiện nay.
Thả diều không đơn giản là một cuộc chơi, bởi việc chinh phục du khách bằng văn hóa của xứ Huế mộng mơ cũng lắm công phu. Để tập hợp những người có cùng sở thích, từ tháng 6/2006, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng đứng ra thành lập Câu lạc bộ diều Nghệ thuật Anh Vũ - Huế, thu hút 15 hội viên tham gia, sau chuyển thành doanh nghiệp tư nhân Anh Vũ với mục đích gìn giữ, phát triển nghề diều truyền thống Huế nói chung và nghề truyền thống của gia đình nói riêng.
Lễ hội thả diều Huế, một trong các hoạt động của Festival Huế 2016, được tổ chức tại khu vực Phu Văn Lâu ngày 29/4/2016. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Diều Huế do nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng đã nhiều lần mang đi tham gia Festival diều Quốc tế tại Pháp, Thái Lan, tham gia triển lãm trao đổi các ngành nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam - Ấn Độ, tổ chức tại Ấn Độ... Tại Festival Diều quốc tế lần thứ XIII tại Pháp có 34 nước tham gia. Câu lạc bộ diều Huế do nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng và nghệ nhân Nguyễn Văn Cư đã đem đến liên hoan hơn 40 con diều với nhiều loại như: Diều rồng, diều phụng, diều hạc, diều đại bàng cắp công chúa... Sự đa dạng và phong phú về mẫu mã của diều Huế đã nhận được lời tán thưởng từ ban tổ chức và sự thích thú từ phía khán giả.
Ở trong nước, thời gian qua, doanh nghiệp và Câu lạc bộ diều Anh Vũ đã tham gia các hội chợ, trưng bày và giới thiệu sản phẩm; các kỳ Festival diều tại Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Trị, Hội an, Nha Trang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Huế… và đã đạt được nhiều giải thưởng cao trong các hội thi diều toàn quốc. Câu lạc bộ cũng tham gia hầu hết các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế, các hội thi sản phẩm lưu niệm, quà tặng do tỉnh và thành phố tổ chức; tham gia Hội thi thiết kế mẫu thời trang và hàng mây tre Việt Nam, Hội thi sản phẩm lưu niệm, quà tặng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long...
Lễ hội thả diều Huế, một trong các hoạt động của Festival Huế 2016. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Trong quá trình thực hành nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng đã tự thiết kế và tự chế tác 16 sản phẩm diều dùng để thả, những sản phẩm diều được nhân dân và du khách đón nhận, thừa nhận sản phẩm có chất lượng cao. Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng còn nổi tiếng với các sản phẩm tự thiết kế và ứng dụng như: Diều Rồng (ưu điểm cao trong việc dùng trong trang trí nội thất, hàng lưu niệm và quà tặng); diều "Lưỡng Long chầu nguyệt"; diều "Cá Vàng"; "Rồng bay"; diều "Cá chép hóa rồng"; diều "Rồng cuộn"; diều châu chấu, diều chim gõ kiến, diều ruồi, diều tôm, diều rắn, diều ốc sên, diều gà trống, diều bạch tuộc, diều hoa sen, diều chú tểu đi cà kheo, diều biểu trưng, diều thợ lặn, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Âu Cơ - Lạc Long Quân.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng, đối với trong nước hoặc khi đem đi biểu diễn ở quốc tế, điểm đặc biệt của diều Huế nổi trội hơn diều đến từ các quốc gia khác là diều được làm rất công phu và mô phỏng gần giống với thực tế. Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Chẳng hạn, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới có diều rồng. Nhưng diều rồng Việt Nam được kết cấu chặt chẽ hơn nên có thể thả cả khi gió mạnh. Diều rồng Trung Quốc làm bằng vật liệu nhẹ nên chỉ thả được khi gió yếu. Về bí quyết cho con diều hứng được gió và bay lên không trung, điều lưu ý là người thả diều phải biết nhắp dây và thả dây diều đúng lúc; cốt nhất là phải giữ được thăng bằng con diều lúc mới bay, diều mới bay cao lên được. Nói thì dễ nhưng phải mất mấy mươi năm rút kinh nghiệm qua thực tiễn, người nghệ nhân diều Huế mới làm chủ được công đoạn này.
Trong lần tham gia Festival diều Quốc tế tại Pháp, cảm động nhất là những người Việt Nam sống trên đất Pháp đã đến Festival diều rất đông, cốt chỉ để nhìn được những con diều mang từ Huế sang. Họ rất tư hào khi thấy diều Việt Nam bay lượn trên đất Pháp. Một Việt kiều ở thành phố Nantes gốc quận Phú Nhuận - Thành phố Hồ Chí Minh, tên là Đặng Quang Nam đã chạy ô tô gần 500 km đến Dieppe để có thể nhìn thấy diều Huế. Đó là những giây phút sung sướng nhất của người nghệ nhân diều Huế - nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng tự hào cho biết.