Bảy nhóm giải pháp đột phá giúp ngành du lịch phát triển trong năm 2024

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 110 triệu lượt khách nội địa. Con số này là một thách thức, nhưng cũng là động lực cho ngành du lịch phát triển với 7 nhóm giải pháp đột phá.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá", do báo Người Lao động tổ chức ngày 12/3.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho biết, mục tiêu của ngành du lịch hiện nay là đưa các chỉ số bằng trước COVID - 19.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 108 triệu lượt khách nội địa, vượt mục tiêu ban đầu là khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 110 triệu lượt khách nội địa. Để đạt mục tiêu này, ngành du lịch cần tập trung 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trước tiên, cần hoàn tất quy hoạch du lịch 2025 - 2030, tầm nhìn 2045 (đang chờ Thủ tướng phê duyệt). Khi có quy hoạch, ngành du lịch xác định hướng đi để tổ chức thực hiện. 

Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, phát triển điểm đến xanh, bền vững, lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm.

Chú thích ảnh
Du khách nước ngoài đến TP Hồ Chí Minh tăng cao trong 2 tháng đầu năm 2024. 

Thứ ba, đề xuất nội dung, thay đổi phương thức xúc tiến thương mại dựa trên các phân khúc: Du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nông thôn, MICE (du lịch kết hợp hội nghị), golf, du lịch đường sắt. Ngoài ra, Việt Nam sẽ thành lập văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở nước ngoài, Viêng Chăn (Lào) sẽ là điểm đầu tiên theo kế hoạch.

Thứ tư, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế tiềm năng để thu hút khách trong và ngoài nước, quan trọng là sản phẩm phù hợp giữ chân du khách.

Thứ năm, nghiên cứu đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, thuế.

Thứ sáu, các đơn vị sẽ phối hợp địa phương quản lý điểm đến bảo đảm an toàn cho du khách.

Thứ bảy, thực hiện tăng cường chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu để phát triển du lịch.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch Thành phố định hướng trọng tâm về đóng góp doanh thu, không quá chú trọng vào lượng khách, nhất là trong bối cảnh khách quốc tế chưa ổn định ở các thị trường khác nhau. Hiện tại, công tác truyền thông quảng bá về du lịch của Việt Nam ở nước ngoài rất tốt, đặc biệt chính sách visa mới đã tạo được hiệu ứng rất mạnh. Vì vậy, Sở đã tận dụng truyền thông, đồng thời đẩy mạnh quảng bá các điểm đến trước khi chính sách được đưa ra, nên hiệu quả đạt được rất đáng khích lệ. 

Chú thích ảnh
Du khách tham quan TP Hồ Chí Minh bằng xe buýt hai tầng. 

"Mặt khác, để phát triển ngành du lịch, TP Hồ Chí Minh cũng tập trung các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, các sản phẩm du lịch mới và đặc trưng. Cụ thể, mỗi quận, huyện đã hoàn thiện 1 sản phẩm đặc trưng, để thu hút du lịch. Đối với hoạt động quảng bá, ngành du lịch Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện du lịch, xúc tiến...", ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết thêm.

Đối với ngành du lịch Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trong năm 2024 với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó ưu tiên tập trung vào một số nhóm giải pháp đột phá. Đối với công tác điều hành, quản lý chiến lược về hoạt động du lịch, Sở đã tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kết luận riêng về phát triển Du lịch Thủ đô trong tình hình mới giai đoạn 2024 - 2025. Với các nhóm chính sách đột phá, cụ thể phát triển du lịch Thủ đô toàn diện về mọi mặt trong thời gian tới, Sở cũng chủ động nghiên cứu, tham mưu, trình HĐND Thành phố một số cơ chế, chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển điểm đến du lịch, mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm này trên địa bàn Thủ đô. 

“Chúng tôi cũng phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế để điều tra, khảo sát, nhằm hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê, cơ sở dữ liệu ngành du lịch Thủ đô. Qua đó, xây dựng được các chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch đáp ứng các nhu cầu mới của du khách”, ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.

Đối với công tác phát triển sản phẩm du lịch mới, ngành du lịch Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực xây dựng các nhóm sản phẩm thực sự đặc sắc và hấp dẫn. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ xây dựng 1 đề án tổng thể, chuyên nghiệp về tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc tế mang tính chiến lược như CNN, CNBC, TikTok...

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty du lịch Kiwi Travel cho biết, hiện  chi phí vé máy bay nội địa đang cao, nên khách thường so sánh với các điểm đến trong ASEAN và chọn ra nước ngoài du lịch nhiều hơn trong nước. Giữa lúc Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế thì khách Việt Nam lại du lịch nước ngoài nhiều hơn., đây là trở ngại lớn trong liên kết phát triển các tour dài ngày trong nội địa.

Vì vậy, ông Phạm Quý Huy cho rằng, ngoài thu hút nguồn khách, ngành du lịch nên xây dựng lại thời gian du lịch trọng điểm theo mùa của từng vùng (Tây Bắc, miền Trung) để phục vụ tốt hơn cho du khách. Đối với các công ty du lịch, cũng cần liên kết nhiều hơn để phát triển du lịch nội địa, thu hút du khách nước ngoài. 

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN