Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, ngành Du lịch Thủ đô đóng góp 4,15% giá trị trực tiếp vào GDP toàn thành phố, giá trị gián tiếp là 10,12%, điều đó thể hiện tiềm năng phát triển du lịch còn lớn, chưa phát huy hết. So với một số địa phương, du lịch Hà Nội có lợi thế cạnh tranh lớn vì vậy ngành cần khai thác lợi thế, đầu tư phát triển du lịch trong thời gian tới.
Trước mắt, ngành Du lịch cần làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước, phối hợp với các quận, huyện, thị xã nghiên cứu từng điểm đến để đầu tư bài bản. Với những địa phương chưa có tiềm năng, ngành Du lịch cần gợi ý để xây dựng, vì ngay với những xã hoàn thành chương trình nông thôn mới nếu biết khai thác cũng có thể trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Hiện nay, người dân và du khách đang rất thiếu điểm vui chơi, giải trí nên rất cần có sự quan tâm đúng mức. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU đôn đốc tiến độ các dự án hạ tầng du lịch để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị ngành Du lịch phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội cung cấp các dịch vụ ẩm thực, vận chuyển, lưu trú, mua sắm… lên mạng đã nhận được hiệu ứng tốt, cần phát huy trong thời gian tới. Đặc biệt, ngành Du lịch cần coi trọng việc thực hiện quy tắc ứng xử để tạo thiện cảm cho khách du lịch.
Hai tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 4,9 triệu lượt khách, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,15 triệu lượt khách, tăng 16,5%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17.318 tỷ đồng, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2019, ngành Du lịch Hà Nội phấn đấu thu hút trên 28,9 triệu lượt khách, tăng 10,1% so với năm 2018; trong đó khách quốc tế đạt trên 7 triệu lượt khách, tăng 17%; tổng thu từ khách du lịch đạt 103.807 tỷ đồng, tăng 34%.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải khẳng định, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn để phát triển du lịch.
Một số điểm du lịch đặc trưng như Hoàng Thành Thăng Long; phố cổ, phố cũ; làng cổ Đường Lâm; làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... được lựa chọn hỗ trợ xây dựng, phát triển. Hà Nội có 3.498 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 60.812 buồng phòng, trong đó tổng số cơ sở lưu trú du lịch đã xếp hạng đang hoạt động trên địa bàn là 561 cơ sở.
Năm 2018, tạp chí TIME của Mỹ bình chọn Hà Nội là một trong 8 điểm đến cho mọi đối tượng du khách; Mastercard bình chọn Hà Nội là một trong top 10 thành phố Đông Nam Á thu hút khách du lịch công tác nhiều nhất; Airbnb bình chọn Hà Nội là một trong hai thành phố của Việt Nam lọt top hot nhất thế giới 2018 về lượng phòng du khách đặt trước...