Các di sản thế giới đã được công nhận của Việt Nam luôn được đánh giá cao và được định hướng khai thác để phát triển trở thành các khu, điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, làm động lực cho sự phát triển du lịch của cả nước. Chẳng hạn như di sản Vịnh Hạ Long được xác định là không gian du lịch chủ yếu của Trung tâm du lịch Hải Phòng - Quảng Ninh; các di sản ở Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn là không gian du lịch chính ở Trung tâm Huế - Đà Nẵng, đồng thời của vùng du lịch Bắc Trung bộ và đặc biệt còn gắn với phát triển du lịch hành lang Đông – Tây. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2020, toàn bộ các khu di sản đều nằm trong khu du lịch quốc gia. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các di sản trong khai thác giá trị du lịch ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, các di sản mặc dù đã được chú trọng phát huy giá trị trên phương diện du lịch nhưng so với tiềm năng thì việc khai thác chưa hiệu quả. Ngay cả các di sản đã được công nhận là di sản thế giới, vấn đề này cũng đang cần phải xem xét một cách tổng thể. Chúng ta thiếu những khu du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc có tầm cỡ trong khu vực cũng như trên thế giới. Mặt khác, các di sản của Việt Nam hiện nay đang có nguy cơ suy giảm giá trị do bị xâm phạm, xuống cấp.
Khách du lịch nước ngoài thăm phố cổ Hội An. Ảnh: Lê Phú |
Di sản không còn là tài sản của riêng một địa phương, của một nước mà của cả nhân loại. Bởi vậy, UNESCO nhận định, di sản càng giới thiệu cho công chúng càng nhiều càng tốt, nhưng với đặc thù di sản dễ bị tổn thương và có thể bị tan biến rất nhanh nên việc phát lộ rồi thì gìn giữ để phát huy là vô cùng khó. Chẳng hạn sau 9 năm từ khi phát lộ, Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long mới chỉ mở cửa đón khách từ năm 2010 nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và từ đó tới nay củng chỉ rải rác có các thời điểm mở cửa cho du khách vào thăm. Trong khi đây là một địa chỉ rất thu hút du khách cũng như có lợi thế nằm ở Thủ đô. Hoặc Thành Nhà Hồ sau khi được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, lượng khách du lịch tăng lên không đáng kể bởi cơ sở hạ tầng còn kém, dịch vụ thu hút phụ cận không hề có. Nếu du khách đến đây cũng chỉ là tự chụp vài bức ảnh lưu niệm rồi ra về. Chẳng có dấu ấn nào, chẳng có cách nào để du khách phải "dốc hầu bao" ra. Bởi vậy, sau danh hiệu, đời sống của người dân quanh khu vực di sản vẫn không có gì thay đổi.
Đưa di sản thành thương hiệu du lịch
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, hệ thống di sản là cơ sở hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực châu Á, thu hút lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế quốc dân. Nếu như năm 2006, Việt Nam đón khoảng 3,6 triệu lượt khách quốc tế thì năm 2011 con số này đã lên trên 5,5 triệu lượt khách. Mức chi trả cho hoạt động du lịch của họ tại Việt Nam ngày càng tăng đã phản ánh một thực tế là Việt Nam có du lịch hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Phần lớn khách quốc tế tới nước ta đều cho rằng họ đi du lịch là để khám phá những nét độc đáo của bản sắc dân tộc Việt Nam, khám phá những điều kỳ diệu của các danh thắng mà chỉ ở Việt Nam mới có để từ đó họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Điều này du khách sẽ tìm thấy khi họ có những chuyến tham quan thực tế tại các di sản, đặc biệt là các di sản thế giới của Việt Nam.
Con số 15 di sản được UNESCO công nhận chính là sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu Việt Nam biết xây dựng thương hiệu cho di sản. Năm 2012 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định là Năm du lịch di sản. Hiện nay, việc đưa di sản thành thương hiệu du lịch, thu hút sự quan tâm của công chúng chính là cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả nhất.
Cũng theo PGS.TS Phạm Trung Lương, một trong những hạn chế cơ bản của du lịch Việt Nam là thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Trong trường hợp này, bản thân các di sản thế giới đã là những tài nguyên du lịch, chính vì thế việc khai thác có hiệu quả những giá trị này cần được phát huy, góp phần khắc phục những hạn chế của du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập. Để khai thác hiệu quả giá trị du lịch từ các di sản thế giới, có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết và cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng. Bên cạnh công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị của các di sản, hoạt động xúc tiến quảng bá được đánh giá là hết sức quan trọng, đặc biệt là các chương trình quảng bá, xúc tiến tại nước ngoài. Di sản thế giới tại Việt Nam được xem là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao và chúng ta tin tưởng đó chính là những lợi thế để du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Đỗ Thảo Nguyên