Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, từ đầu năm đến nay, địa phương này đã thu hút gần 92.500 lượt du khách, bằng trên 115 % so với chỉ tiêu được tỉnh giao. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 49 tỷ đồng.
Đặc biệt, chỉ tính trong Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2022 từ 29/10 đến nay, địa phương đã đón trên 21.000 lượt du khách. Một số thời điểm, đặc biệt là cuối tuần, các cơ sở lưu trú thường hoạt động hết công suất, thậm chí là “cháy” phòng. Lượng khách tới Bình Liêu bắt đầu tăng cao từ tháng 10, khi thời tiết chuyển sang mùa Thu - Đông, cũng là thời điểm Bình Liêu bước vào mùa đẹp nhất trong năm.
Chị Nguyễn Thu Cúc, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, dịp cuối tuần chị cùng gia đình có lịch đến Bình Liêu nghỉ dưỡng, trải nghiệm các hoạt động trong Tuần Văn hóa - Du lịch của địa phương, tuy nhiên cũng phải gọi đến 3 cơ sở chị mới đặt được phòng. Chị Cúc cảm thấy vui vì mình đã may mắn đặt được phòng và có kỳ nghỉ rất ý nghĩa. Chị chia sẻ ở Bình Liêu có những phong cảnh đẹp như tranh, nhất là được ngắm bạt ngạt lau trắng cùng đồng lúa chín vàng. Chị và các thành viên rất ấn tượng khi được trải nghiệm nét văn hóa truyền thống trong đám cưới của người Sán Chỉ.
Đến Bình Liêu mùa lúa chín, du khách không thể bỏ qua nghi lễ "mừng cơm mới", một trong những nghi lễ quan trọng nhất của Hội Mùa vàng, được tổ chức tại đình Lục Nà. Ông Lương Thiêm Phú (84 tuổi, người Tày, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) cho biết: Người Tày đến mùa thu hoạch thường tổ chức ăn cơm mới. Cả năm bà con lao động vất vả, cuối cùng được thu hoạch, nên mừng mùa màng bội thu. Trong dịp này, họ sẽ mời anh em thân quen, con cái về đầy đủ mừng 1 năm sản xuất thắng lợi và cầu mong sang năm bội thu hơn nữa.
Được ví như “Sapa thu nhỏ của Quảng Ninh”, Bình Liêu ngày càng trở nên thu hút nhiều khách du lịch, đa phần là các bạn trẻ có đam mê xê dịch, thích khám phá và ưa trải nghiệm. Đến Bình Liêu những dịp này, du khách không chỉ được thưởng thức ẩm thực truyền thống của cộng đồng dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ với xôi 7 màu, gà bản nướng, miến dong Bình Liêu, cá suối, canh rau rừng... mà còn được nghe những điệu hát Soóng Cọ trên những ruộng bậc thang thơm hương lúa chín.
Để kích cầu du lịch dịp cuối năm, mang đến nhiều sản phẩm, trải nghiệm du lịch mới mẻ cho du khách, huyện Bình Liêu tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao hấp dẫn trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2022 với điểm nhấn là Hội Mùa vàng. Festival “Bay trên Mùa Vàng” trong khuôn khổ Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2022 đã thu hút trên 150 vận động viên dù lượn cả nước và nhiều du khách tham gia trải nghiệm.
Anh Lưu Minh Hoàng Sơn, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cảm nhận, Bình Liêu là điểm đến rất thu hút. Đối với những người sống ở khu vực phía Nam, được trải nghiệm phong cảnh, thời tiết, ẩm thực của Bình Liêu, anh thấy có sự khác biệt rõ ràng, rất dễ chịu, nhất là khi bay dù lượn, ngắm nhìn phong cảnh của Bình Liêu với những cánh đồng lúa chín vàng và điệp trùng núi non xanh ngút tầm mắt.
Còn anh Đoàn Mạnh Nguyên, thành viên Câu lạc bộ dù lượn Đông Bắc chia sẻ, Bình Liêu là điểm bay mới, anh tham gia lần đầu, khi bay lên sáng sớm có ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua màn sương xuống cánh đồng, rừng lau rất đẹp…
Để các hoạt động của Ngày hội đi vào chiều sâu, chuyên nghiệp và tạo ấn tượng cho du khách, UBND huyện Bình Liêu kết hợp với một đơn vị lữ hành thiết kế những hoạt động du lịch cụ thể xuyên suốt cho cả mùa Thu - Đông, nhất là Lễ hội hoa sở tháng 12 tới...
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu chia sẻ: huyện đã phối hợp với một đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch để xây dựng các sản phẩm chuyên nghiệp hơn. Việc truyền thông quảng bá cũng sẽ hiệu quả hơn. Nhất là sau khi kết nối được tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái, hệ thống hạ tầng của huyện được nâng cấp đồng bộ đến các tuyến điểm trên địa bàn để kết nối với các địa phương khác trong, ngoài tỉnh.
"Hiện nay, UBND huyện đã xây dựng xong Đề án phát triển du lịch Bình Liêu từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, huyện xác định địa điểm tập trung phát triển du lịch và kêu gọi đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch có tính chuyên nghiệp, chất lượng hơn để thu hút đông đảo du khách đến với Bình Liêu. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, con người Bình Liêu đến với du khách trong và ngoài nước", bà Hạnh thông tin thêm.