Du lịch biển hút khách
Bước sang ngày thứ 3 của dịp lễ 30/4 - 1/5, tại Nghệ An, thời tiết vẫn nắng nóng gay gắt, nhiệt độ phổ biến 39 đến trên 41 độ C. Từ sáng sớm, hàng nghìn du khách thập phương đổ xô đến khu, điểm du lịch biển ở thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc để "giải nhiệt".
Tới Cửa Lò, du khách dễ dàng nhận thấy diện mạo của một đô thị biển năng động, sầm uất, kết cấu hạ tầng hiện đại, với nhiều nhà nghỉ, khách sạn, có thể phục vụ trên 3 vạn khách lưu trú mỗi ngày. Nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp được đưa vào khai thác, như: Thiên đường nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội, Khu Du lịch sinh thái đảo Lan Châu, đảo Ngư, sân golf 18 lỗ. Tới đây, Cửa Lò sẽ có Khu vui chơi, giải trí và cáp treo Cửa Hội với tuyến cáp treo vượt biển nối đất liền ra đảo Ngư - điểm du lịch đặc biệt giữa biển khơi.
Chị Lê Lan Hương, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, Cửa Lò là một trong những bãi tắm lý tưởng trong và sạch, hải sản tươi ngon, giá vừa phải, khách sạn được cải tạo làm mới rất đẹp. Bởi vậy, mỗi năm, vào dịp lễ, gia đình chị đều chọn Cửa Lò là điểm để nghỉ ngơi, thư giãn.
"Sáng nay, khi tắm biển Cửa Lò, gia đình anh gặp ngay cảnh ngư dân đang kéo lưới. Quả thực, đi du lịch biển lại được kéo lưới cùng ngư dân là một trải nghiệm thú vị, trẻ nhỏ rất thích thú", anh Hoàng Mạnh Hà, du khách Phú Thọ hào hứng cho biết.
Từ 17 giờ trở đi, hàng nghìn du khách mang theo phao xuống bãi biển tắm "giải nhiệt". Ngoài tắm, du khách còn có thể trải nghiệm dịch vụ mô tô nước hoặc chơi các trò thể thao trên bờ và dưới nước.
Biển Cửa Lò nổi tiếng với nhiều loại hải sản tươi ngon, đa dạng, giá phải chăng. Ốc, tôm, cá, mực... được ngư dân đánh bắt trong ngày đem về nhập cho các nhà hàng. Du khách sau khi tắm biển xong có thể ghé vào các nhà hàng ven biển thưởng thức ẩm thực. Về đêm, bãi cát rộng hàng nghìn mét vuông sát biển được sử dụng làm Beach Club. Du khách vào đây thưởng thức đồ uống, xem ca nhạc và ngắm biển đêm.
Từ khi khai trương mùa du lịch biển (tháng 4/2024) đến nay, Cửa Lò đón nhiều du khách tới lưu trú, tắm biển, thưởng thức ẩm thực. Đặc biệt, vào dịp cuối tuần và nghỉ lễ, nắng nóng gay gắt nên du khách đến biển rất đông. Dự kiến dịp nghỉ lễ, thị xã đón khoảng 20 vạn lượt khách, doanh thu 200 tỷ đồng. Công suất đặt phòng lưu trú tại các khu du lịch biển trong những ngày đầu nghỉ lễ đạt trên 95%, trong đó, một số khách sạn lớn đạt 95 - 100%, ông Nguyễn Thế Sơn, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Cửa Lò thông tin.
Không chỉ có Cửa Lò, vùng ven biển như huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai..., công suất sử dụng phòng tại các khách sạn đạt bình quân 85% và duy trì ở mức cao, lượng khách sử dụng dịch vụ ăn uống ở bãi biển đông, nhất là vào dịp cuối tuần và nghỉ lễ.
Tiềm năng du lịch xanh
Mùa hè, miền Tây Nghệ An được ví là “chảo lửa” bởi nhiệt độ tăng cao kèm theo gió Lào bỏng rát. Nhưng bù lại, nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều thác nước và khe suối mát lành giúp con người “giải nhiệt”.
Nắm bắt xu hướng đó, một số điểm du lịch sinh thái bổ sung các dịch vụ mới, đáp ứng sự đa dạng nhu cầu khách hàng như: Điểm du lịch Khu sinh thái Mường Thanh Greenland Diễn Lâm, điểm du lịch sinh thái Hòn Mát, điểm tham quan Trương Gia Farm (Nghĩa Đàn), các điểm du lịch cộng đồng miền Tây Nghệ An, thác khe Kèm (Con Cuông), thác Sao Va trên dòng Nậm Việc (Quế Phong), thác Nha Vang (Tương Dương), thác Rồng (Kỳ Sơn), quần thể thác 7 tầng (Quế Phong), thác Mưa (Thanh Chương)...
Du khách ưa khám phá, du lịch mạo hiểm lựa chọn điểm đến là những vùng núi hoang sơ, các khe suối tự nhiên, hồ đập nuôi trồng thủy sản... để trải nghiệm trong dịp lễ 30/4 - 1/5.
Là địa phương có hệ thống khe suối dày đặc nên Tương Dương có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng, đặc biệt là cá mát - một đặc sản hiếm có. Những năm qua, nhờ được khoanh nuôi, bảo vệ tốt, nên cá sinh trưởng và phát triển nhanh, đem lại nguồn lợi lớn cho người dân.
Gần đây, nhiều mô hình du lịch cộng đồng sinh thái đã hình thành, mở ra sinh kế mới cho đồng bào vùng cao.
Điển hình, ở xã Lưu Kiền, gần đây hình thành điểm du lịch sinh thái bản Xóong Con, suối Nậm Khiên thu hút hàng nghìn lượt khách khắp nơi đổ về, cao điểm từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm.
Đi cùng với đó là hàng loạt các dịch vụ như, trải nghiệm bắt cá mát bằng tay, bằng lưới trên khe suối, thưởng thức ẩm thực… đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con.
Ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, dịp nghỉ lễ năm nay, nhiều nhóm bạn trẻ, gia đình chọn các điểm du lịch xanh, khe suối ở Con Cuông, Tương Dương và Quế Phong bởi không khí trong lành, cảnh vật hoang sơ và đặc biệt là những món ăn dân dã của người dân bản địa. Đây là hướng đi mới, tạo thêm thu nhập cho người dân các xã vùng cao, khai thác được tiềm năng, lợi thế từng địa phương. Đồng thời, qua đó, phát huy, bảo tồn được giá trị văn hóa, nét đặc sắc trong ẩm thực và cảnh sắc của các dân tộc, bản làng, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
Để phục vụ khách dịp lễ 30/4 - 1/5, các địa phương, doanh nghiệp chủ động làm mới sản phẩm du lịch, liên kết, thu hút đông đảo khách du lịch. Sở Du lịch Nghệ An đã có văn bản đề nghị, các huyện, thành phố, thị xã tăng cường quản lý du lịch, kiểm tra việc đăng ký giá, niêm yết giá dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
Các địa phương xử lý nghiêm nếu xảy ra tình trạng chặt chém khách. Ở các điểm vui chơi trên biển, doanh nghiệp kinh doanh du lịch địa phương bố trí lực lượng túc trực, hướng dẫn và đảm bảo an toàn cho du khách.
Ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, ngành Du lịch luôn xây dựng kịch bản và chuẩn bị phương án tốt nhất để đổi mới, thu hút du khách trong năm 2024. Từ tín hiệu các điểm tham quan, du lịch của các địa phương trong tỉnh đón lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng dịp nghỉ lễ, ngành Du lịch kỳ vọng sẽ có một năm phát triển, khởi sắc mạnh mẽ.
Năm 2024, Nghệ An dự kiến đón 5,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó, có 120.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu 9.000 tỷ đồng.