"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
Thuyền về xuối mái sông Hương
Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay".
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 618 cơ sở thờ tự, trong đó 305 tự viện có Tăng Ni thường trú (3 ngôi quốc tự, 180 chùa Tăng, 125 chùa Ni), 313 đơn vị Niệm Phật đường, 6 chùa được công nhận di tích cấp quốc gia, số chư tăng gồm 643 vị và 524 vị ni. Huế vốn là nơi có nhiều ngôi chùa cổ kính nổi tiếng của Việt Nam nhưng ngôi chùa xưa nhất phải kể đến là chùa Thiên Mụ - nơi có sự tích ra đời gắn liền với bước chân mở đường của vị chúa Nguyễn đầu tiên xứ Đàng Trong.
Chùa được xây dựng từ năm 1601, dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Sau đó chùa được xây dựng lại quy mô hơn dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Ngoài chuông lớn, chùa còn có thêm hàng chục công trình kiến trúc rất quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... Ông còn đích thân viết bài văn bia nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây, ca tụng triết lý của đạo Phật, ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm - người có công lớn trong việc giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn sơ nhưng tuyệt đẹp, nay vẫn còn trong khuôn viên chùa.
Với quy mô được mở rộng và cảnh đẹp tự nhiên, ngay từ thời đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa Thiên Mụ đã từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), sau đó được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều các vua nhà Nguyễn. Năm 1844, nhân dịp mừng lễ “bát thọ" (mừng sinh nhật thứ tám mươi) của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô hơn: xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là Phước Duyên), đình Hương Nguyện và dựng 2 tấm bia ghi chép thơ văn của nhà vua.
Khi du khách đến gần chùa, điều thu hút sự chú ý đầu tiên là tòa tháp hình bát giác bảy tầng mang tên Phước Duyên. Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 23m, gồm bảy tầng, được xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Phía trước tháp là đình Hương Nguyện. Chùa Thiên Mụ được xếp vào hai mươi thắng cảnh đất Thần Kinh với bài thơ "Thiên Mụ chung thanh" do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng gần cổng chùa. Năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, để cầu mong có con nối dõi, nhà vua sợ chữ "Thiên" phạm đến Trời nên cho đổi từ "Thiên Mụ" thành "Linh Mụ" (Bà mụ linh thiêng). Mãi đến năm 1869, vua mới cho dùng lại tên Thiên Mụ như trước. Bởi vậy trong dân gian, người ta vẫn dùng cả hai tên khi muốn nhắc đến chùa này.
Trận bão khủng khiếp năm 1904 đã tàn phá ngôi chùa nặng nề. Nhiều công trình bị hư hỏng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ hoàn toàn. Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm... cùng bia đá, chuông đồng, chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quý giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn về nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Thế Phật... hay các hoành phi, câu đối ở đây đều ghi dấu thời kỳ lịch sử vàng son của chùa Thiên Mụ.
Từ 2003-2007, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã trùng tu di tích chùa Thiên Mụ. Công trình có tổng vốn đầu tư 27 tỷ đồng, vay từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, với nhiều hạng mục được trùng tu, trong đó 2 hạng mục chính là tháp Phước Duyên và điện Đại Hùng. Tháp Phước Duyên là tòa tháp hình bát giác 7 tầng, cao trên 23m, xây bằng gạch vồ, vữa vôi...Đến thời điểm tu bổ tháp đã bị hư hại nặng như: Mái nứt gây thấm dột, các thanh sắt đỡ vòm nứt mục làm thành hệ thống nứt lớn trong khối xây, nhiều vết nứt xuyên tường, nước mưa thấm vào làm mục gạch, vữa. Gạch hoa mất nhiều bộ phận đã bị sửa chữa không đúng nguyên gốc.
Toàn bộ tháp Phước Duyên đã được vệ sinh khoa học để loại bỏ rêu mốc, hoàn trả màu sắc hài hòa bằng cách chấm màu, bảo quản chống ẩm tường. Hệ thống khe nứt được bơm keo và vữa để toàn khối hóa. Các thanh sắt được chống gỉ; 178 thanh (chiều dài trung bình 1,0-2,5m) được thay bằng thép không gỉ. Đặc biệt đã tìm lại quy luật phân bố gạch men hoa văn và phục hồi hệ thống lan can giả; chống thấm mái tháp, phục hồi Hồ lô và các con giao pháp lam, bố trí hệ chống sét.
Đối với điện Đại Hùng, toàn bộ điện được tu bổ, loại bỏ nền xi măng và lát lại nền gạch gốm, làm lại mái, gia cố căn chỉnh móng. Riêng chính điện được phục chế bằng gỗ kiền kiền thay cho kết cấu bê tông cốt thép. Các viên ngói liệt cũ được sử dụng lại trên công trình cùng với ngói mới. Cùng với đó là thực hiện công tác phòng mối mọt, gia cường chống gió bão, làm hệ thống chống sét và chiếu sáng bên trong, làm lớp ngăn ẩm nền...; loại bỏ lớp sơn công nghiệp và phục hồi các lớp sơn truyền thống. Toàn bộ các bích họa trên cổ diềm được bảo tồn (hạ giải từng đoạn tường có tranh, bảo quản giữ màu, chống mốc và lắp dựng trở lại), phục hồi màu sắc và các trang trí như nguyên gốc.
Trong khuôn viên chùa hiện nay là một vườn hoa được chăm sóc, vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963. Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời. Khung cảnh này càng tôn thêm vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng cho chùa Thiên Mụ...