Vẫn có những khó khăn cần tháo gỡ
Cuối năm 2022, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã tiến hành "Nghiên cứu phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại Việt Nam". Đơn vị đã tiến hành khảo sát thực tế tại Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt (Lâm Đồng).
Đây là các địa phương phát triển du lịch, đã có hoạt động dịch vụ đêm và đang thí điểm áp dụng kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ đến 6 giờ hôm sau. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã đánh giá thực trạng phát triển và các dịch vụ, sản phẩm du lịch, nhất là thực trạng, dịch vụ về đêm và dịch vụ có khả năng khai thác về đêm ở những địa phương này.
Qua khảo sát, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đánh giá, nhìn chung, dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại các địa phương nêu trên hiện mới chỉ dừng lại ở hoạt động, dịch vụ văn hóa, vui chơi chủ yếu tại các khu vui chơi giải trí quy mô lớn; trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; chợ đêm (mua sắm, ẩm thực…); dịch vụ chăm sóc sức khỏe cùng một số dịch vụ khác (quán bar, quán cà phê có biểu diễn âm nhạc, biểu diễn nhạc nước…). Thời gian khai thác hầu hết đến 22 giờ, một số điểm cung cấp dịch vụ muộn nhất là 24 giờ.
Từ thực tiễn hoạt động, đại diện các địa phương đã thẳng thắn nêu lên khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác tổ chức, quản lý, phá triển dịch vụ đêm.
Ví dụ như, Hội An nhận thấy rằng, sản phẩm, dịch vụ còn sơ sài, chủ yếu khách chỉ đến tham quan, ít lưu trú. Nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động, dịch vụ đêm còn hạn chế, do nếp sống và quan niệm sống của người dân chưa phù hợp với các hoạt động đêm. Người dân Hội An thường thích cuộc sống bình yên, không xô bồ. Thêm vào đó, Hội An là đô thị cổ, di sản văn hóa thế giới nên cần có quy hoạch phù hợp khi phát triển dịch vụ đêm.
Đà Lạt đang trong quá trình xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm. Các hoạt động về đêm chủ yếu gồm chợ đêm, phố đi bộ (chỉ mở vào cuối tuần đến 21 giờ). Nhưng cơ sở hạ tầng, quy hoạch chưa đáp ứng lưu thông cho các phương tiện, đảm bảo đi bộ; chất lượng dịch vụ chưa thực sự chuyên nghiệp; cùng với đó là ô nhiễm môi trường, tiếng ồn…
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động về đêm tại Quận 1 diễn ra mạnh mẽ nhất, chủ yếu khu vực chợ đêm Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ đêm khá lớn của khách du lịch. Tuy nhiên, các khu vực triển khai vẫn riêng lẻ, nhiều hoạt động còn mang tính tự phát, chưa thống nhất trong chủ trương và tổng thể chung. Vấn đề về quản lý, ô nhiễm môi trường cần quan tâm khi phát triển các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch.
Các địa phương khác cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy nêu: Quảng Ninh đang gặp phải vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn, nhất là ở khu vực Bãi Cháy gây ảnh hưởng đến khu dân cư và mâu thuẫn giữa các nhóm khách du lịch. Thêm vào đó, nguồn nhân lực phục vụ ban đêm (cán bộ trật tự, công nhân vệ sinh…); hạ tầng giao thông về đêm còn hạn chế…
Hà Nội có một số khó khăn, hạn chế trong quản lý hoạt động dịch vụ đêm. Đó là thiếu nhân lực tham gia quản lý hoạt động về đêm; chưa có cơ chế khuyến khích các hộ mở rộng hoạt động kinh doanh; thiếu quy hoạch rõ ràng về không gian và thời gian của các dịch vụ đêm. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của dịch vụ đêm còn hạn chế...
Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Lê Quang Đăng và bà Nguyễn Thị Phương Linh (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch), thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý về phát triển kinh tế ban đêm và phát triển dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch chưa đầy đủ; thiếu các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, hỗ trợ cơ sở kinh doanh phát triển các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, đặc biệt là các dịch vụ như bar, pub, club, karaoke, vũ trường, vui chơi có thưởng, giải trí, biểu diễn nghệ thuật đường phố,… thủ tục đầu tư, kinh doanh còn phức tạp, chưa có chính sách đặc thù...
Hình thành thương hiệu du lịch đêm ở Việt Nam
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm tăng cường thu hút, chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch có lượng khách du lịch cao được yêu cầu phát triển đồng bộ, để hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.
Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Riêng Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất 1 đêm.
Đến năm 2030, các trung tâm du lịch lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại; phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng du khách tập trung đông; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.
Đề án nêu 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm đi kèm các dịch vụ đặc trưng và dịch vụ bổ trợ. Đó là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Những lợi ích thiết thực cũng như doanh thu của các nước trên thế giới khiến chúng ta có thêm động lực để phát triển du lịch đêm. Việc ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm chính là một bước đi cụ thể hóa việc phát triển du lịch bền vững, tăng doanh thu. Tuy nhiên, cần lường trước rằng, việc triển khai đề án này sẽ gặp những khó khăn, không chỉ liên quan đến các quy định của pháp luật, mà ngay cả thói quen kinh doanh, phục vụ du lịch của người Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng: Sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đêm không chỉ mang đến trải nghiệm mới mẻ, đầy kỳ vọng cho du khách mà còn nâng tầm vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa của đất nước. Từ những cung đường mòn đèn lồng lung linh, đến dạo chơi phố phường trong ánh đèn và nhịp sống vui nhộn, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ khi bình minh len lỏi, mà còn khi đêm buông xuống.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn phân tích: Để triển khai thành công du lịch đêm, mang lại hiệu quả về kinh tế, cần đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng như chiếu sáng đường phố, tiện ích công cộng, giao thông công cộng để đảm bảo thuận lợi, an toàn cho du khách. Điều này có thể đòi hỏi đầu tư tài chính và công sức đáng kể của các địa phương, cộng đồng và đơn du lịch lữ hành.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của du lịch đêm, cần đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân lực du lịch, từ nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên du lịch đến các dịch vụ liên quan khác. Chúng ta cần đưa ra quy định và chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đêm, nhưng phải chú ý an toàn, bảo vệ môi trường và quyền lợi của cộng đồng địa phương.
Sản phẩm du lịch đêm có thể gây ra tiếng ồn và ô nhiễm ánh sáng. Thêm vào đó, phát triển du lịch đêm có thể dẫn đến một lượng lớn du khách đổ về các điểm đến vào buổi tối, gây tắc nghẽn giao thông, quá tải các điểm du lịch, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng trải nghiệm du lịch của du khách, căng thẳng cho cộng đồng địa phương... Đây cũng là những thách thức mà các địa phương cần phương án giải quyết hữu hiệu.
Hiện nay, nhiều địa phương đã phê duyệt đề phát triển kinh tế ban đêm và đi vào khai thác. Gần đây nhất, Khánh Hòa phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm đến năm 2030, tập trung vào 4 lĩnh vực hoạt động dịch vụ là văn hóa - vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm và du lịch. Tỉnh hướng đến tổ chức hoạt động văn hóa vui chơi giải trí về đêm tại khu vực Nha Trang, bãi Dài Cam Ranh, biển Nhũ Tiên, Dốc Lết, các khu tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm riêng biệt...
Tuy vậy, đề án nêu rõ: Tùy theo tính chất, khu vực của từng hoạt động, dịch vụ sẽ được xác định khung thời gian hoạt động cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho xã hội. Khánh Hòa cũng không khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm đại trà mà tập trung phát triển kinh tế đêm sau 22 giờ (đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành) tại khu vực mang tính biểu tượng, điểm đến hiện tại của du khách trong và ngoài nước.
Có thể thấy, việc phát triển sản phẩm du lịch đêm ở các địa phương trọng điểm du lịch là cần thiết và nhiều địa phương đã triển khai. Tuy vậy, để khai thác, phát triển du lịch đêm mang lại hiệu quả thiết thực vẫn cần có sự chung tay vào cuộc của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả người dân...