Liên kết tuyến du lịch và xây dựng cộng đồng du lịch Nhiều du khách trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng và tắm biển Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Viết Ý/TTXVN |
Khi đến thăm Bình Định, nhà Sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: Bình Định không chỉ có thiên nhiên, biển đảo, nơi đây còn có các di sản văn hóa - lịch sử với các giá trị rất lớn. Vấn đề còn lại là làm sao để có thể “du lịch hóa” được các giá trị đó, tạo được các sản phẩm, các tuyến du lịch thực sự hấp dẫn.
Theo ông Dương Trung Quốc, Bình Định cần khai thác một cách hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, nguồn “tài nguyên” vô giá mà cha ông chúng ta đã để lại trên vùng đất này. Bình Định cần kết hợp các tuyến du lịch biển đảo với các tuyến du lịch về văn hóa - lịch sử một cách hợp lý, tạo nên giá trị riêng biệt của vùng đất này.
Ông Dương Trung Quốc cũng hiến kế cho ngành du lịch Bình Định: “Chúng ta nên nhìn rộng ra ngoài phạm vi tỉnh, cần liên kết với các vùng đất khác, những nơi có cùng nét văn hóa, di sản. Ví dụ như liên kết với Đà Nẵng giới thiệu hệ thống tháp Chăm cổ, hay với Ninh Thuận và một số tỉnh có cộng đồng người Chăm lớn và các giá trị phi vật thể đáng quý mà họ đang giữ. Như vậy sẽ tạo ra các tour giới thiệu các thời đại lịch sử.”
Còn để ngăn ngừa vấn nạn chèo kéo, chèn ép, “chặt chém” du khách, ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định nêu giải pháp: Vấn đề quan trọng là phải xây dựng được một cộng đồng biết làm du lịch. Từ người dân, đến doanh nghiệp và chính quyền các cấp đều phải chuyên nghiệp trong việc tiếp đón khách du lịch. Khi đó chúng ta sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề còn tồn tại hiện nay như: môi trường, an ninh, chăm sóc khách hàng và định giá các loại hình dịch vụ. Trong thời gian tới, Sở Du lịch Bình Định sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trong việc cung cấp các sản phẩm du lịch. Đồng thời sẽ xử lý mạnh các hành vi sai phạm, gây ảnh hưởng đến bộ mặt chung của ngành du lịch Bình Định.
Hướng tới sự phát triển bền vững Bãi biển Kỳ Co với vẻ đẹp hoang sơ. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN |
Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, bền vững về kinh tế, bền vững về tài nguyên môi trường và bền vững về văn hóa xã hội. Nhận thức sâu sắc điều đó, vừa qua lãnh đạo tỉnh Bình Định đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó từ nay đến năm 2020 sẽ cố gắng thu hút khoảng 5,5 triệu lượt khách.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết: Trên các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh định hướng sẽ phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó sản phẩm nổi bật nhất vẫn là du lịch biển đảo. Tỉnh đã quy hoạch lại bờ biển Quy Nhơn, vịnh Phương Mai và hơn 134 km bờ biển để phát triển du lịch, với những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, mới lạ, độc đáo để phục vụ cho du khách.
Về du lịch lịch sử văn hóa, Bình Định là nơi có tới trên 200 di tích lịch sử mang nhiều nét văn hóa độc đáo. Trên cơ sở tiềm năng này tỉnh đang quy hoạch, trùng tu lại để phát triển du lịch lịch sử Bình Định như Bảo tàng Quang Trung, hệ thống tháp Chăm, thành Hoàng Đế, các lò võ thuật cổ truyền… Trong thời gian đến sẽ kết hợp với các khu di tích tâm linh như Đàn tế trời, chùa Ông Núi… để tạo thành những tour du lịch lịch sử - văn hóa – tâm linh hoàn chỉnh.
Với loại hình du lịch hội nghị, gắn với trung tâm Khoa học quốc tế Giáo dục liên ngành (ICISE) mỗi năm Bình Định đón trên 1.000 nhà khoa học, đây là cơ hội để quảng bá du lịch. Tỉnh đang xây dựng một tổ hợp không gian khoa học, với các bảo tàng khoa học, nhà vũ trụ, khu tham quan du lịch, đưa khoa học đến với quần chúng nhân dân. Hy vọng đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong thời gian tới.
Máy bay của JetstarPacific tại sân bay Phù Cát (Bình Định). Ảnh: Ly Kha/TTXVN |
Để làm được điều này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng những việc cần làm là: đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối đến các điểm du lịch, cũng như là hạ tầng giao thông như nâng cấp sân bay Phù Cát, nâng cấp mở rộng đường tới các điểm du lịch; tổ chức lại các điểm du lịch hiện có để tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng điểm du lịch.
Đồng thời tỉnh đầu tư các sản phẩm đặc thù, để du khách đến Quy Nhơn, đến Bình Định sẽ cảm nhận được sự khác biệt so với các địa phương khác. Từ đó đưa du lịch Quy Nhơn - Bình Định trở thành một điểm hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và cả khu vực trong thời gian đến.
Hiện nay tỉnh đang gấp rút triển khai Đề án phát triển du lịch thành phố Quy Nhơn năm 2017, với các giải pháp thiết thực như: Đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Diệu; xây dựng hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh công cộng ngầm đạt chuẩn dọc bờ biển Quy Nhơn; quy hoạch, xây dựng các bãi đậu xe; xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng homestay ở các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng; khai thác và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể qua các hoạt động biểu diễn bài chòi, thi đấu võ cổ truyền…
Du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đang bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn và bước phát triển mang tính đột phá. Kỳ vọng rằng, với các điều chỉnh quy hoạch tổng thể, ngành du lịch Bình Định sẽ có những bước phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như bức tranh du lịch chung của cả nước.