Với 18 huyện, thị xã, ngoại thành Hà Nội được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng du lịch, nhất là khu vực thuộc vùng văn hóa xứ Đoài, với đậm đặc các dấu tích văn hóa cổ, lại mang đặc trưng làng quê đồng bằng Bắc Bộ cùng cảnh quan tự nhiên đẹp. Thay vì tập trung phát triển du lịch khu vực nội đô như trước đó, ngành Du lịch Thủ đô đang từng bước khai thác tiềm năng du lịch ngoại thành nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát triển toàn diện du lịch, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội địa phương.
Phong phú nguồn tài nguyên du lịch
Huyện Thanh Oai được biết đến là vùng đất cổ có truyền thống hiếu học, nơi sinh ra nhiều nhà khoa bảng, nhà văn hóa nổi tiếng như: Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực, Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng, Đệ nhất Tam nguyên Vũ Phạm Hàm... Vùng đất Thanh Oai còn được biết đến với bề dày văn hóa, lịch sử của vùng đồng bằng Bắc Bộ và những nét riêng độc đáo. Đó là hệ thống di tích khá dày đặc với 266 đình, đền, chùa... trong đó nhiều di tích du khách trong, ngoài nước biết đến như đình Nội, xã Bình Minh, thờ Quốc tổ Lạc Long Quân với lễ hội được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thanh Oai có 51 làng nghề được công nhận, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng cả nước. Ngoài ra, địa phương này còn được du khách biết đến làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê) nằm bên bờ sông Nhuệ với nhiều nét kiến trúc, văn hóa, lịch sử đặc trưng còn lưu giữ đến ngày nay.
Huyện Quốc Oai đang được biết tới là nơi có nhiều tiềm năng du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Với những giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử và tôn giáo, chùa Thầy (xã Sài Sơn) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Gần đó là đình So (xã Cộng Hòa) được mệnh danh là “đệ nhất đình Đoài” với những giá trị mỹ thuật riêng có. Tổ hợp vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng Baara Land (xã Sài Sơn) gồm: Công viên biển Hà Nội, hệ thống khách sạn La Paz 4 sao, các nhà hàng cùng show diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ đang trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch...
Đây chỉ là hai trong nhiều huyện của Hà Nội có tiềm năng du lịch phong phú, có thể tạo bước chuyển lớn về thu hút khách nếu được đầu tư đúng mức. Khu vực ngoại thành Hà Nội đang hội tụ các tiềm năng về du lịch văn hóa lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo - hội nghị...
Về các giá trị văn hóa, lịch sử còn kể tới những điểm tiêu biểu như: Thành cổ Sơn Tây, đền Và (thị xã Sơn Tây), đình Chu Quyến, hệ thống đền Hạ - đền Trung - đền Thượng (huyện Ba Vì), đền thờ Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín)… Về làng cổ có: Làng cổ Cự Đà, làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai), làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)... Được mệnh danh là “Đất trăm nghề”, khu vực này có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)…
Tuy vậy, nhìn nhận thực tế, khách du lịch đến với vùng ngoại thành này chưa nhiều. Ngoại trừ khu vực vùng núi Ba Vì và thị xã Sơn Tây đã thu hút một lượng khách nhất định do nơi này hình thành nhiều khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các địa phương còn lại thu hút lượng khách thấp.
Ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Quốc Oai cho biết: Số lượng khách du lịch đến Quốc Oai hằng năm vẫn còn khiêm tốn. Mỗi năm, huyện chỉ đón khoảng 150 nghìn lượt khách, doanh thu từ vé tham quan khoảng 1,1 tỷ đồng, tập trung ở xã Sài Sơn và thị trấn Quốc Oai. Các khu vực khác như: Xã Phú Mãn, Hòa Thạch, Phú Cát, khu vực bãi ven sông Đáy mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác, sản phẩm du lịch còn hạn chế.
Cần hoàn thiện để thu hút khách
Lý giải về những hạn chế, khó khăn khiến du lịch khu vực ngoại thành chưa phát triển mạnh, các địa phương cho rằng làng nghề chưa tập trung, chưa tận dụng tốt khả năng gắn kết với du lịch. Ngoài ra, thiếu sự phối hợp và chưa có sự quan tâm đúng mức của các ngành, nhất là việc phát triển hạ tầng trong và ngoài phạm vi làng nghề. Các di tích lịch sử chưa được đầu tư, khai thác và nâng tầm thỏa đáng để phát triển. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp, quà lưu niệm còn nghèo nàn, chưa có sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm phát triển du lịch... Để đánh thức những tiềm năng, lợi thế nhằm hấp dẫn du khách, theo các chuyên gia cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành, các huyện cần có giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn, đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo môi trường du lịch lành mạnh, đẩy mạnh sự kết nối với ngành Du lịch.
Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris (Pháp) tại Việt Nam cho rằng với khách nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Âu họ rất thích tìm hiểu di sản văn hóa của các nước châu Á. Việt Nam không thua kém, thậm chí còn giàu có hơn nhiều nước trong khu vực về tài nguyên văn hóa nhưng do chưa làm tốt khâu quảng bá xúc tiến nên chưa thể thu hút du khách như Thái Lan, Myanmar… Không ít khách du lịch châu Âu khi đến Việt Nam thấy thích thú khi di sản vẫn giữ được hồn cốt truyền thống. Vì thế, theo ông Emmanuel Cerise, Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn vấn đề bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch ở các địa phương.
Đứng trên góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng địa phương cần tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi bởi nếu chỉ dựa vào tiềm năng thôi chưa đủ. Bên cạnh đó, các huyện cần quan tâm quản lý điểm đến bởi nó ảnh hưởng lớn đến việc khai thác sản phẩm giữa doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp ở nơi khác. Muốn vậy, phải tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp để từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của du khách và sự phát triển của thị trường.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, việc xây dựng điểm đến du lịch khu vực ngoại thành phải làm từng bước và có sự đầu tư dài hạn. Để trở thành điểm đến thu hút đông du khách hay trở thành một tour du lịch hoàn chỉnh, các huyện cần có sự kết nối thường xuyên với doanh nghiệp lữ hành. Bước đầu, các huyện có thể xác định là một trong chuỗi điểm đến của hành trình tour thăm làng nghề - văn hóa - lịch sử của Thủ đô Hà Nội, được các doanh nghiệp chào bán cho du khách. Một điều quan trọng khác, địa phương cần quan tâm hơn đến cảnh quan môi trường, lắp đặt biển chỉ dẫn cho khách tham quan. Địa phương cũng cần có kế hoạch cụ thể, quy hoạch các phân khu chức năng đón tiếp, phục vụ khách, dịch vụ bổ trợ...
Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn, chuẩn hóa bài thuyết minh, hỗ trợ huyện đào tạo chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ, người làm du lịch trên địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất cho địa phương phát triển du lịch.