Qua đó, góp phần phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Định hình thương hiệu du lịch xứ Dừa
Không nằm ngoài "công thức chung" của xu hướng phát triển du lịch, tại Bến Tre, mỗi đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch đã và đang định hình cho mình một sản phẩm mang tính đặc trưng, nổi bật để tạo nên thương hiệu riêng.
Bà Trần Thị Hải Vân, Tổng Giám đốc Bến Tre Riverside Resort cho biết, ngoài kinh doanh khu nghỉ dưỡng 4 sao đầu tiên của tỉnh, đơn vị chủ động hình thành điểm đến du lịch trải nghiệm đặc trưng phù hợp với mọi lứa tuổi trên hành trình du khách xuôi dòng Mekong về xứ Dừa.
Bà Hải Vân cho biết, nằm ngay sông Hàm Luông thoáng mát, với 20ha, Riverside Garden đã xây dựng nơi trồng các loại cây ăn trái - nông sản xanh phục vụ nhà hàng Resort. Đặc biệt, dựa trên những tiềm năng sẵn có, Riverside Garden bổ sung thêm cảnh quan và các dịch vụ phù hợp với tất cả độ tuổi nhưng vẫn giữ trọn vẻ đẹp thiên nhiên giúp du khách tận hưởng không khí trong lành. Tiêu chí của đơn vị là xây dựng nên sản phẩm du lịch trọn gói để du khách có thể vừa nghỉ dưỡng, vừa ngắm cảnh, trải nghiệm ẩm thực văn hóa của người Bến Tre.
Giống như một ốc đảo xanh trên sông Tiền, khu du lịch miệt vườn Cồn Phụng ở xã Tân Thạch, huyện Châu Thành trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Khu du lịch cồn Phụng cho biết, nơi đây thu hút du khách gần xa vì vẫn còn lưu giữ nguyên bản nhiều kiến trúc độc đáo như: sân Chín Rồng, tháp Hòa Bình... đã hơn 50 năm xây dựng. Ngoài ra, khách du lịch có cơ hội hiểu thêm về con người, cuộc sống, văn hóa xứ dừa tại Bảo tàng Dừa - một ngôi nhà được làm hoàn toàn từ thân cây dừa và cũng là nơi trưng bày nhiều sản phẩm làm từ dừa. Hiện nay, khu du lịch sinh thái đang được đầu tư nâng cấp nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí, vườn thú, làng nghề, phục hồi khu phức hợp kiến trúc Đạo Dừa để thu hút thêm khách du lịch.
Ông Phan Văn Thông cho biết thêm, điểm nhấn của hành trình du lịch về cồn Phụng là du khách trải nghiệm cảm giác ngồi thuyền tham quan những bãi cồn lớn, nghe hát đờn ca tài tử và thưởng thức các món ăn đặc sản miền Tây. Việc kết nối đến các cơ sở sản xuất kẹo dừa - sản phẩm truyền thống của Bến Tre giúp du khách hiểu hơn quy trình sản xuất kẹo của người dân bản địa từ khâu chuẩn bị, nấu, cuộn kẹo, cắt và đóng gói cũng như sản phẩm thủ công từ thân, trái, vỏ dừa được tạo thành từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân…
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 57 làng nghề (trong đó có 39 làng nghề nông nghiệp) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận. Các làng nghề đang được quan tâm khai thác phục vụ khách tham quan du lịch như: Sản xuất cây giống, hoa kiểng, chế biến cá khô, nấu rượu, làm kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng... Ngoài ra, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với nhiều sản phẩm là thế mạnh của tỉnh như bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, trái cây sấy, mật ong, tôm khô, cá khô, rượu... đặc biệt là sản phẩm chế biến từ dừa (kẹo dừa, dừa sấy, nước cốt dừa, nước màu dừa, mỹ phẩm từ dừa...) nhận được sự quan tâm, đón nhận từ du khách. Loại hình du lịch homestay ở Bến Tre khá thu hút du khách đến nghỉ dưỡng và trải nghiệm, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho rằng, hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Việc thưởng thức cây trái đặc sản, những món ăn dân dã hay trải nghiệm làm nông thực tế ngay tại điểm du lịch mang đến sự thích thú, hào hứng cho du khách, từ đó nông sản được tiêu thụ tại chỗ và có giá cao hơn so với bán cho thương lái. Không chỉ là hoạt động tham quan, các dịch vụ đi kèm còn giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Du lịch nông nghiệp còn góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; bảo tồn đa dạng sinh thái và tài nguyên thiên nhiên. Đây còn là giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng và du khách, tiến đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Phát triển bền vững
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho hay, với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm du lịch của tỉnh, Bến Tre đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển du lịch thông minh tại địa phương. Qua đó, giúp cho việc quản lý thuận tiện hơn, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo lợi ích qua lại giữa du khách, chính quyền và doanh nghiệp.
Cụ thể, Bến Tre đã đưa vào sử dụng website https://bentretourism.vn được hỗ trợ bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh và tích hợp trên nền tảng các mạng xã hội giới thiệu quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; thông tin về lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó cung cấp đầy đủ và kịp thời các hoạt động du lịch, sự kiện nổi bật của tỉnh, cập nhật thông tin chính thống về chất lượng giá cả dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh (như dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận tải, ăn uống, mua sắm, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, cửa hàng bán lẻ, máy giao dịch tự động và các dịch vụ khác đến khách du lịch).
Cổng cung cấp sổ tay điện tử, tư vấn thông tin du lịch dựa vào tính năng tự động xác định địa điểm qua định vị, tư vấn lịch trình chỉ đường, gợi ý các địa điểm ăn uống, khách sạn, dịch vụ, ngân hàng, y tế, phương tiện di chuyển và bản đồ 3D trên địa bàn tỉnh. Từ đây, mở ra cơ hội cho du lịch Bến Tre được mọi người dân tiếp cận qua các trang thông tin điện tử, điện thoại thông minh, góp phần đưa ngành "công nghiệp không khói" Bến Tre trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm phục hồi hoạt động du lịch như: Tăng cường truyền thông, giới thiệu, quảng bá Bến Tre điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng; đẩy mạnh các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước nhất là liên kết, phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long; khuyến khích các đơn vị du dịch trên địa bàn quan tâm đầu tư xây dựng mới, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; nghiên cứu xây dựng thêm nhiều chương trình, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ, phong phú, hấp dẫn, mang nét đặc trưng của du lịch vùng xanh xứ dừa; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ lao động phục vụ khách…
Theo bà Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, để đạt mục tiêu "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030" theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian tới, các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị cần tập trung quan tâm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực để tạo "động lực" phát triển " mạnh" và "nhanh" ngành kinh tế mũi nhọn.
Muốn vậy, phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị... đảm bảo số lượng và chất lượng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. Cùng với đó là thường xuyên mở lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tin học...cho lực lượng lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng như tăng cường mở lớp tập huấn cho người dân và cộng đồng về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, ý thức bảo vệ môi trường...
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, cần có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch về công tác tại các đơn vị Nhà nước, đơn vị kinh doanh du lịch. Đặc biệt lựa chọn đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín lãnh đạo, quản lý có chất lượng, hiệu quả lĩnh vực du lịch, có cơ chế, chính sách đãi ngộ, khen thưởng hợp lý.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến nhấn mạnh, bên cạnh việc định hướng quy hoạch, khai thác tốt nguồn tài nguyên du lịch, việc tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay. Từ đó, xây dựng thương hiệu du lịch xứ Dừa bền vững, cạnh tranh tốt với các địa phương, thực hiện thành công mục tiêu đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.